| Hotline: 0983.970.780

Ngập trong bia rượu đến bao giờ?

Thứ Bảy 11/05/2019 , 07:10 (GMT+7)

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam bày tỏ lo ngại khi người Việt có quan điểm sai lầm “uống bia không hại như rượu, do nồng độ cồn trong bia nhẹ hơn rượu”.

 

12-16-21_who
TS. Kidong Park

Thời gian gần đây rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc có nguyên nhân từ rượu, ông đánh giá như thế nào về tỷ lệ sử dụng rượu, bia của người dân Việt Nam hiện nay?

Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động. Bình quân ở lứa tuổi trưởng thành (từ 15 tuổi ở cả hai giới) từ 3,8 lít giai đoạn 2003-2005 lên đến 4,7 lít năm 2009 - 2011 và 8,3 lít trong giai đoạn 2015-2017 (tương đương 470 chai bia/năm 2016 trong khi đó, việc tiêu dùng rượu bia ở Tây Thái Bình Dương chỉ là 1,3 lít/năm). Con số này có thể tăng lên 9,9 lít vào năm 2020 và 11,4 lít vào năm 2025 nếu không có biện pháp can thiệt hiệu quả vào việc kiểm soát tác hại của rượu bia.

Việc sử dụng rượu, bia không phù hợp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng.

Như ông vừa nói, rượu bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ cho cá nhân và cả cộng đồng, cụ thể là gì?

Rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích, rượu bia là chất hướng thần với những đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Do đó, một số bệnh/thương tích chính do sử dụng rượu bia gồm:

Bệnh tim mạch, sử dụng rượu bia tăng nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như đột quỵ, suy tim, cao huyết áp và phình động mạch chủ.

Bệnh tiêu hóa/rối loạn tiêu hóa. Tiêu thụ rượu quá mức gây tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính.

Tổ chức nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp rượu bia vào nhóm chất gây ung thư. Sử dụng rượu bia là nguyên nhân liên quan tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan, mật và ung thư vú.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một tỷ lệ lớn gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý gồm tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử, các thương tích gây tử vong liên quan đến rượu bia xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi tương đối trẻ.

Trong đó, rượu bia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Trong năm 2016, tử vong do tai nạn giao thông liên quan tới bia rượu chiếm 41% tổng số ca tử vong do thương tích có liên quan đến rượu bia.

1-66506152839445
Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông

Ông có thể giải thích vì sao rượu bia lại là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông?

Do rượu làm giảm khả năng phản ứng, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giảm thị lực và gây buồn ngủ. Nghiên cứu cho thấy, người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng.

Theo đó, nếu uống 6 cốc bia trong một dịp/lần sẽ rất nguy hại - đó là uống rượu bia quá độ. Điều tra năm 2015 cho thấy 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79 nghìn ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia.

Hiện vẫn có không ít nam giới Việt Nam cho rằng, uống bia không nguy hại như uống rượu, vì thế họ vẫn uống một cách “vô tư”. Bằng chứng là, tại các quán bia hơi, lượng khách hàng không hề giảm…

Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Bởi, các tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. Theo đó, 330ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là có 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, tương tự khi ta uống 1 chén rượu mạnh (30ml). Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu bia trên các loại hình đồ uống.

Xin cảm ơn ông!

Chi phí tiêu thụ rượu bia tốn 4 tỷ USD/năm

Bộ Y tế cho biết, năm 2017, chi phí kinh tế cho việc tiêu thụ rượu bia là 4 tỷ USD (tương đương 4,06 tỷ lít bia được tiêu thụ trong năm) ước tính gần bằng 7% số thu ngân sách của nhà nước. Trong khi đó, theo Tổng Cục Thống kê, đóng góp của ngành rượu bia và nước giải khát vào ngân sách nhà nước năm 2017 là 50.000 tỷ đồng tương đương 2 tỷ USD. Thế nhưng, chi phí để giải quyết các hậu quả về sức khỏe lại rất lớn. Cụ thể, năm 2017, có ít nhất 6,2% hộ gia đình chịu tổn thất về kinh tế do gặp phải một số hậu quả cấp tính liên quan đến sử dụng rượu bia do người trong và ngoài hộ gia đình gây ra.

 

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.