| Hotline: 0983.970.780

Người dân bị ‘cô lập’ bởi dự án của Công ty Kiên Chung

Thứ Năm 04/01/2024 , 18:39 (GMT+7)

Việc thực hiện dự án của Công ty Kiên Chung khiến ngõ đi vào nhà của hộ dân bị xóa sổ; mương tiêu nước cũng bị lấp khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.

Xoá sổ lối đi của dân

Ông Nguyễn Hữu Nghinh (trú tại phố Vạn Xuân Thành, phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá) cho biết, hàng chục năm nay, gia đình ông xây dựng nhà ở kiên cố, sinh sống ổn định trên thửa đất số 95, tờ bản đồ 8 (nay là thửa số 68, tờ bản đồ số 94 bản đồ hiện trạng phường Xuân Lâm phê duyệt năm 2011). Phía Bắc nhà ông Nghinh giáp nhà ông Nguyễn Hữu Lương; phía Đông là đất ở của bà Trương Thị Phúc; phía Nam là ao nuôi trồng thủy sản; phía Tây là đất đã thu hồi thực hiện dự án Kiên Chung.

Trước khi thực hiện dự án này, đường vào thửa đất của gia đình ông Nghinh chỉ có một lối đi duy nhất kéo dài từ nhà ông Đậu Văn Điền, qua nhà ông Nguyễn Hữu Huệ và qua cánh đồng rồi vào nhà. Năm 2019, UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) có quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, đất đường giao thông tại phường Xuân Lâm, trong đó bao gồm cả lối đi duy nhất vào thửa đất của gia đình ông Nghinh, bàn giao cho Công ty TNHH Kiên Chung (Công ty Kiên Chung) thực hiện dự án dịch vụ, thương mại.

Sau khi được cấp có thẩm quyền giao đất, Công ty Kiên Chung đã tiến hành san lấp mặt bằng, san phẳng lối đi, khiến cho gia đình ông Nghinh không còn lối đi vào nhà. Trước sự việc trên, gia đình ông Nghinh đã có đơn đề nghị gửi cấp có thẩm quyền vào cuộc xử lý, trả lại lối đi cho gia đình ông, nhưng chưa được xem xét, giải quyết nguyện vọng.

Khu đất thực hiện dự án dịch vụ, thương mại của Công ty Kiên Chung. Chú thích 1: Phần đất của gia đình ông Nghinh. Chú thích 2: Lối đi vào nhà ông Nghinh trước đây, nay là mặt bằng dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Khu đất thực hiện dự án dịch vụ, thương mại của Công ty Kiên Chung. Chú thích 1: Phần đất của gia đình ông Nghinh. Chú thích 2: Lối đi vào nhà ông Nghinh trước đây, nay là mặt bằng dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nghinh cho rằng, quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án dịch vụ, thương mại của Công ty Kiên Chung chưa tính toán kỹ tới việc đảm bảo an sinh của người dân: “Gia đình tôi là nông dân, sống dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Do vậy, con đường là lối đi để phục vụ gia đình sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, kể từ khi Công ty Kiên Chung san lấp mặt bằng đến nay, gia đình không có đường để vào nhà. Muốn vào nhà thì không còn cách nào khác phải đi qua đất dự án khiến việc đi lại hết sức bất tiện. Mọi hoạt động sinh hoạt, làm ăn kinh tế của gia đình tôi bị ảnh hưởng, xáo trộn...”.

Không chỉ có gia đình ông Nghinh bị tác động bởi dự án, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, vị trí giáp ranh giữa khu đất của Công ty Kiên Chung và Công ty cây xanh Nghi Sơn có một cống qua đường và mương tiêu nước cho toàn bộ cánh đồng sản xuất nông nghiệp và khu dân cư phía bắc đường Bắc - Nam 2 cũng bị vùi lấp.

Theo phản ánh của người dân, trong quá trình thi công dự án, đơn vị có trách nhiệm đã san lấp mương tiêu nước tại khu vực này, khiến nước không thể thoát ra sông mà chảy vào khu nuôi trồng thủy sản của người dân.

“Đợt mưa lũ vừa rồi, nước to nhưng không có chỗ thoát, gây ngập đường dân sinh. Chúng tôi phải cử cán bộ tới hiện trường căng dây, cảnh báo nguy hiểm. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì rất bất cập...”, ông Nguyễn Bá Trí, Chủ tịch UBND phường Xuân Lâm cho biết.

Quả bóng” trách nhiệm

Liên quan đến sự việc nêu trên, mới đây, UBND phường Xuân Lâm đã báo cáo UBND thị xã Nghi Sơn, các cấp có thẩm quyền xem xét hoàn trả đường giao thông cho gia đình ông Nguyễn Hữu Nghinh và mương tiêu nước theo đề nghị của Tổ dân phố vạn Xuân nhằm đảm bảo việc đi lại, sinh hoạt của người dân và tiêu nước trong mùa mưa lũ… 

Trả lời về việc thực hiện dự án lấp lối đi của người dân, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho biết, phản ánh của công dân là có cơ sở. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND thị xã Nghi Sơn: “Vướng mắc của hộ ông Nghinh là do ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng dự án, nên Ban quản lý chuyển đơn kiến nghị của ông Nghinh và biên bản làm việc đến UBND thị xã Nghi Sơn để xem xét, giải quyết theo quy định”, văn bản trả lời nêu rõ.

Lối đi của gia đình ông Nghinh bị xóa sổ bởi dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Lối đi của gia đình ông Nghinh bị xóa sổ bởi dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Trái ngược với quan điểm của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, ông Lê Hồng Hiếu, Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn cho biết, đơn vị chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng theo phạm vi đã được phê duyệt (trách nhiệm không thuộc thị xã Nghi Sơn).

“Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là đơn vị tham mưu cho tỉnh thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp làm dự án. Tỉnh chấp thuận dự án đến đâu thì UBND thị xã Nghi Sơn thu hồi đất đến đó theo phạm vi đã được phê duyệt. Bởi vậy, cái gốc của vấn đề là từ việc chấp thuận dự án, chứ không phải quá trình giải phóng mặt bằng", ông Hiếu cho biết.

Về hướng xử lý kiến nghị của người dân, ông Hiếu cho biết, UBND thị xã Nghi Sơn sẽ làm việc với Ban quản lý dự án Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp để thống nhất phương án.

Trước kiến nghị của tổ dân phố Vạn Xuân và UBND phường Xuân Lâm về việc hoàn trả mương thoát nước phục vụ sản xuất, ông Hiếu cho biết, sẽ đầu tư hệ thống thoát nước mới sau khi hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư Hải Hà.

“Toàn bộ cánh đồng và khu nuôi trồng thủy sản khu vực này sẽ được giải phóng mặt bằng, phục vụ dự án di dân tái định cư. Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ có đầy đủ hạ tầng thoát nước cho khu dân cư. Bây giờ đầu tư mương thì sau này lãng phí lắm! Vấn đề mương nước hiện nay chưa phải là vấn đề cấp thiết cho lắm!”, ông Hiếu thông tin.

Có thể nói, việc chậm trễ xử lý quyền lợi cho người dân trong đó có việc trả lại lối đi cho dân theo hướng "đùn đẩy" giữa các cơ quan có trách nhiệm khiến người dân vẫn sống trong cảnh bị “cô lập”. Trước thực tế trên, ông Nghinh đã có đơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết quyền lợi cho hộ gia đình. Sau khi nhận được đơn của công dân, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi UBND thị xã Nghi Sơn chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.