| Hotline: 0983.970.780

Nhập nhèm quản lý đất đai ở Móng Cái

Thứ Ba 01/12/2020 , 08:18 (GMT+7)

Đánh đồng đất thổ cư và đất trồng cây lâu năm, cho người dân thuê đất chồng lấn vào đất tỉnh cấp cho DN… là những lỗ hổng quản lý đất ở Móng Cái.

Bồi thường đất ở bằng đất trồng câu lâu năm

Trong lá đơn tập thể gửi Báo NNVN, hàng chục hộ dân tại khu 4,5,6 phường Hải Hòa, TP Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, họ sắp rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

“Chúng tôi là các hộ dân kinh tế mới từ năm 1991 và những hộ dân đã và đang sinh sống ở Hải Hòa từ 20 năm đến trên 30 năm thuộc khu 4,5,6, phường Hải Hòa

Từ năm 1989 đến 2000, Nhà nước có chính sách vận động, khuyến khích nhân dân các tỉnh, huyện di dân đến Hải Hòa xây dựng kinh tế mới, các hộ di dân tự do theo chế độ thu hút cùng đến lập nghiệp trên quê hương này.

Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành giá đền bù đất tại Hải Hòa. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành giá đền bù đất tại Hải Hòa. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

Để ổn định cuộc sống, từ năm 2003 đến năm 2007, thị xã Móng Cái (nay là thành phố) đã cấp 2.977 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư (sổ đỏ) cho dân. Những giấy chứng nhận này đã được đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh, đoàn công tác của thị xã Móng Cái kiểm tra, rà soát. Năm 2007, việc cấp sổ đỏ cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại 24 hồ sơ còn thiếu thông tin chờ dân cung cấp. Một thời gian ngắn sau, thông tin đã được hoàn thiện, nhưng đến nay người dân vẫn dài cổ chờ sổ đỏ.

Thực chất, việc cấp sổ đỏ cho người dân cũng không quan trọng bằng việc bỗng dưng đất ở của họ nằm trong diện thu hồi để làm khu đô thị mới. Theo phương án mà người dân nơi đây nhận được từ chính quyền TP, thì giá đền bù được tính rất thấp, bởi TP áp dụng khung giá đền bù cho đất trồng cây lâu năm, thay vì khung giá đất ở.

UBND TP Móng Cái và Trung tâm Phát triển quỹ đất áp giá bồi thường các công trinh xây dựng trên đất theo Điểm b, Khoản 1, Điều 25 quyết định 3000/2017/QĐ-UBND là không đúng với mục đích sử dụng đất của gia đình chúng tôi”, đại diện người dân nói.

Cụ thể, một số hộ nhận được phương án đền bù với giá rất thấp như gia đình ông Bùi Phong Ba vợ là Lê Thị Hồng số nhà 02 ngõ 74 liên khu 4 nhận chuyển nhượng đất khai hoang từ năm 2002 tổng diện tích 1.089 m2, bồi thường tổng khoảng 220 triệu đồng (có nhà trên đất). Ông Lê Doãn Thành vợ là Mai Thị Thủy số nhà 09 ngõ 74 liên khu 4 nhận chuyển nhượng đất khai hoang 2007 diện tích đất 300m2 đền bù khoảng 179 triệu đồng (có nhà trên đất)…

Theo Quyết định 1378 do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành áp dụng đền bù cho khu vực này, thì giá đất ở dao động từ 8 triệu đến hơn 10 triệu đồng/m2.

Cấp sổ đỏ chồng lấn sang đất của doanh nghiệp

Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại TP Móng Cái của Công ty TNHH Phú Lâm có diện tích 1.035 ha, bao gồm khu trại nuôi bò thịt, khu trại nuôi bò giống và các phân khu chức năng. Giai đoạn I, quy mô nuôi 20.000 con và tiếp giai đoạn 2 lên đến 40.000 con. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành cấp phép và quyết định giao đất cho doanh nghiệp này. Việc hoàn thành các thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động chỉ diễn ra vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ cho thấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn.

Thế nhưng, cho dù phía lãnh đạo tỉnh có sốt sắng đến mấy, thì địa phương lại không coi vào đâu. Bằng chứng là ròng rã mấy năm trở lại đây, Cty TNHH Phú Lâm không thể hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.035ha đất của mình, vì hơn 120ha đất nằm trong diện tích này đã bị cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường tham mưu cho lãnh đạo TP Móng Cái cấp sổ đỏ cho 6 hộ dân khác.

Cụ thể, ông Đinh Minh Nghĩa được cấp 18 nghìn m2, ông Trần Xuân Can được cấp 297 nghìn m2, ông Nguyễn Thế Cường 248 nghìn m2, ông Phạm Quốc Khánh 282 nghìn m2…

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND TP Móng Cái cho biết, hiện tại cũng chưa biết hướng xử lý ra sao với diện tích đất bị cấp chồng lấn này. Nếu đề nghị doanh nghiệp cắt lại đất cho người dân thì vi phạm quyết định cấp đất của tỉnh. Còn nếu vận động người dân trả lại đất cho doanh nghiệp thì ngân sách không thể cấp tiền để làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phương án bồi thường UBND TP Móng Cái đưa ra bị người dân phản đối. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

Phương án bồi thường UBND TP Móng Cái đưa ra bị người dân phản đối. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

Quá bức xúc trước việc bị mất đất trắng trợn, lãnh đạo Cty TNHH Phú Lâm đã nhiều lần “nhỏ nhẹ” nhắc lãnh đạo TP Móng Cái. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, diện tích đất đã cấp chồng cho 6 hộ dân kia vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Được biết, nhiều vụ việc tranh chấp đáng tiếc đã xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.

Chi cục Thuế Thành phố Móng Cái không thể thu được thuế của diện tích đất trên, vì theo quyết định giao đất của UBND tỉnh, Cty TNHH Phú Lâm được giao sẽ phải nộp thuế đất. Tuy nhiên, 120ha trong tổng số 1.035ha đã bị cấp cho các cá nhân khác. Do vậy, hiện không ai chịu nộp khoản thuế trên.

Hiện số thuế còn tồn, kể cả diện tích mà TP Móng Cái đã cho thuê đối với các hộ dân để làm trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… đã lên đến gần 200 triệu đồng.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.