Những ngày qua, người dân ở xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) vô cùng bức xúc trước việc nhiều gốc sưa cổ thụ ngang nhiên bị chặt phá, đem bán. Điều đáng nói, sau khi ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh thì những cây sưa bị chặt này trước đây lại thuộc rừng phòng hộ Ma Phan (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh).
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà sau đó khu vực này được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một cá nhân quản lý, sử dụng. Qua tìm hiểu, việc cấp sổ đỏ này được UBND thị xã Tam Kỳ (cũ) cấp cho ông Nguyễn Văn Quang (trú xã Tam Lộc) với diện tích 4,5 ha vào năm 2004, thời hạn đến năm 2054. Mục đích sử dụng là đất vườn và đất làm trang trại.
Tiếp cận hiện trường, PV ghi nhận có 8 cây gỗ sưa đường kính trung bình từ 60 – 80cm đã bị chặt hạ với những dấu tích còn rất mới. Một số gốc cây to từ 2 – 3 người ôm không xuể. nhiều đoạn gỗ lớn đã được vận chuyển đi, còn lại nhiều đoạn gỗ nhỏ, gốc cây bị đào lên tập kết một chỗ. Xung quanh là dấu vết bánh xe cơ giới khả năng được đưa vào để khai thác, vận chuyển gỗ đi.
Theo người dân địa phương, những gốc sưa bị chặt này có tuổi đời từ 100 đến 200 năm. Trước đây ông bà tổ tiên trồng xen vào rừng phòng hộ để giữ đất, chống xói mòn. Thế nhưng, sau đó một số người dân đã lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng keo, trong đó có khu vực trồng những cây gỗ sưa này.
Từ điều này lại đặt ra câu hỏi: Vì sao rừng phòng hộ cần được khoanh nuôi, bảo vệ nhưng ngành chức năng lại không quản lý chặt để xảy ra việc xâm lấn?. Để rồi sau đó, những diện tích bị lấn chiếm lại được cấp Chứng nhận sử dụng đất cho cá nhân trong đó có ông Nguyễn Văn Quang như đã nói ở trên.
Ông N.D.H (65 tuổi, trú xã Tam Lộc) cho hay, từ trước tới nay, những cây sưa cổ thụ này trong làng không ai dám đụng đến. Thế nhưng cách đây hơn nửa tháng thì mọi người đều bất ngờ khi thấy một số người ngang nhiên vào chặt hạ rồi chở gỗ ra khỏi rừng. Khi hỏi ra mới biết rằng ông Quang đã bán cho một người ở tỉnh phía Bắc. Sau đó, người dân đã báo vụ việc lên UBND xã Tam Lộc và Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam để kiểm tra, xác minh.
Sau khi tiếp nhận phản ánh, UBND xã Tam Lộc yêu cầu dừng việc đốn hạ cây sưa, đồng thời báo cáo cho UBND huyện Phú Ninh để có hướng tiếp tục xử lý. Ngoài ra, chính quyền xã đã mời các hộ dân bán cây sưa lên để làm việc, yêu cầu chấm dứt hành vi mua bán cây sưa trong khu vực.
Trước sự việc này, ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Lộc thừa nhận, hiện nay khu vực rừng phòng hộ Ma Phan cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, khu vực những cây gỗ sưa bị chặt hạ nằm trên đất đã cấp sổ đỏ cho ông Quang nên ông này tự liên hệ Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam xin giấy bán cây sưa, không thông qua UBND xã Tam Lộc.
“Xã yêu cầu phía kiểm lâm phải phối hợp với xã, xác nhận lại vị trí số cây sưa bị khai thác có nằm trong sổ đỏ của hộ ông Quang hay không?. Về phía ông Quang thì ông ấy cũng thừa nhận mình là người đứng ra bán nhưng người nhận tiền lại là ông Lương Ngọc Anh (trú cùng thôn). Mỗi cây sưa cũng chỉ bán được với giá chỉ 2 triệu đồng. Hiện, chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc lên huyện Phú Ninh để có hướng xử lý”, ông Bình nói.
Liên quan đến vụ việc, mới đây, sau khi kiểm tra hiện trường, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND huyện Phú Ninh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam về việc khai thác gỗ sưa của ông Nguyễn Văn Quang. Theo đó, ông Quang đã khai thác 3 cây sưa vườn, trong đó có 1 cây sưa đã cắt thành lóng 4 lóng. Trong thời gian chờ giải quyết thì ông Quang tiếp tục khai thác thêm 5 cây sưa (tổng cộng là 8 cây). Hiện nay một số cây vẫn chưa được vận chuyển ra khỏi hiện trường.
Mặc dù việc khai thác gỗ sưa có sổ đỏ nhưng trong sơ đồ không có tọa độ thể hiện để xác định vị trí nên Kiểm lâm địa bàn chủ quan, xác định nguồn gốc toàn bộ số cây trên nằm trong khu vực đã được cấp giấy, nghĩ rằng chủ sở hữu là của ông Quang nên hướng dẫn cho ông Quang khai thác theo quy định của Nhà nước. Do đó, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã đề nghị UBND huyện Phú Ninh chỉ đạo các phòng chức năng làm rõ vị trí diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Quang, trên cơ sở đó xác định vị trí các cây sưa.
Ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Huyện đang đôn đốc và giao cho Hạt kiểm lâm Nam Quảng Nam kiểm tra cụ thể về vụ việc chặt bán cây sưa trên địa bàn. Sau khi xác minh mới biết được ai đúng, ai sai và trách nhiệm ở đâu, có đúng luật hay không. Quan điểm của huyện là sai phải xử lý nghiêm”.