| Hotline: 0983.970.780

Những chủ rừng trên vùng đất Bảy Núi

Thứ Ba 22/11/2022 , 07:00 (GMT+7)

Là một tỉnh ở ĐBSCL, nhưng An Giang có gần 20.000ha rừng đồi núi, tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, nơi người dân quen gọi là vùng Bảy Núi.

Empty

An Giang có gần 20.000ha rừng đồi núi, tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phủ xanh đồi trọc

Vùng Bảy Núi ngày nào còn khô cằn sỏi đá mà giờ đây đã khoác lên mình chiếc áo xanh tươi và đang mở ra tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn về rừng. Sự đổi thay đó là kết quả nỗ lực không ngừng của người lãnh đạo địa phương sau gần 30 năm thực hiện công tác khôi phục, phát triển rừng. Trong đó, có sự đóng góp lớn lao của những hộ dân nhận khoán đất rừng. Họ là những người trực tiếp bám đất, giữ rừng và thật sự là những chủ rừng trên vùng Bảy Núi.

So với nhiều địa phương khác trong cả nước, diện tích rừng ở An Giang không nhiều, nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược về an ninh quốc phòng và góp phần cân bằng môi trường sinh thái trong khu vực. Vùng Bảy Núi An Giang không chỉ là địa bàn sinh sống của hơn 30.000 hộ dân, trong đó có gần phân nửa là bà con người dân tộc Khmer. Nơi đây còn là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: Trước đây do hậu quả chiến tranh và một phần người dân đốt rừng làm rẫy mà đất rừng thành đồi núi trọc, năm nào cũng có cháy rừng. Trước thực trạng này, từ năm 1991, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chính sách khôi phục lại rừng phòng hộ đồi núi, với phương thức giao khoán đất rừng cho nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ.

Empty

Người dân cùng chính quyền địa phương triển khai trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tại vùng Bảy Núi. Ảnh: Ngọc Thắng.

Năm 1993, khi Chương trình 327 của Trung ương được triển khai nhằm đầu tư vốn, giống, kỹ thuật để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh An Giang đã xây dựng 2 dự án để trồng rừng phòng hộ và rừng vành đai biên giới. Với chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã giao khoán cho gần 11.000 hộ dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, với hình thức hợp đồng dài hạn từ 10-50 năm.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết thêm, khi cuộc sống của người dân đã ổn định, người dân càng gắn bó hơn với rừng. Nhờ đó mà công tác chăm sóc, bảo vệ rừng cũng được thực hiện tốt. Bởi hơn ai hết, họ đều hiểu rằng, rừng là chỗ dựa cho cuộc sống, phát triển rừng cũng là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Phan Văn Hải, ở xã An Hảo, huyện Tinh Biên, An Giang chỉ tay về khu rừng rộng 20ha trên ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên chia sẻ: Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng có được thành quả như ngày hôm nay là cả sự phấn đấu bền bỉ không ngừng của ông và các con trong gia đình vốn đã gắn bó với đất rừng ở vùng Bảy Núi gần 30 năm.

Vốn sinh ra và lớn lên ở miệt đồng Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, hàng năm vào mùa mưa lũ, ông Hải phải lên Núi Cấm thuê mướn đất làm rẫy kiếm thêm nguồn thu nhập. Năm 1992, khi An Giang thực hiện giao khoán đất rừng và đầu tư vốn cho nhân dân trồng chăm sóc, bảo vệ, ông Hải là một trong những nông dân đầu tiên xung phong nhận khoán đất trồng rừng.

Thực hiện theo đúng kỹ thuật của Ngành Lâm nghiệp, đồng thời để đẩy nhanh tiến độ phủ xanh đất rừng, hiện nay gia đình ông Phạm Văn Hải đã trồng được gần 80.000 cây như: tràm bông vàng, keo tai tượng và hơn 30.000 cây bước hai như, sao, dầu, giáng hương…

Những năm cây rừng chưa giáp tàng, ngoài tiền trợ cấp trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, gia đình ông Hải còn được Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho mượn vốn để nuôi bò, trồng rẫy và phát triển kinh tế vườn - rừng. Nhờ cần cù lao động và chịu thương, chịu khó, đất rừng chẳng những đã được phủ xanh, mà gia đình ông cũng có nguồn thu nhập khá ổn định.

Empty

Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã giao khoán cho gần 11.000 hộ dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, với hình thức hợp đồng dài hạn từ 10-50 năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tăng thu nhập nhờ làm kinh tế rừng

Còn ông Đào Duy Mẫn (Ba Mẫn), năm nay đã 68 tuổi ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên là một trong những người sống vì rừng và yêu cây cối trong rừng kể lại, năm 1980, từ tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông đưa gia đình vào Nam để tìm kế sinh nhai. Khi đến vùng Bảy Núi An Giang, ông Ba đã chọn Núi Cấm làm quê hương thứ 2 của mình. Vạn sự khởi đầu nan, mới chân ướt, chân ráo  về đây lập nghiệp, gia đình ông Ba Mẫn phải làm thuê,  gánh mướn kiếm sống qua ngày.

Từ một hộ dân không có “mảnh đất cắm dùi”, vậy mà sau gần 30 năm nhận khoán đất trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng, giờ đây ông Ba Mẫn đã là chủ của cánh rừng với diện tích trên 16ha. Nhờ cần cù lao động, thường xuyên dọn cỏ, tỉa cành mà đất rừng của ông Mẫn đã được phủ xanh.

Mấy năm qua, ngoài số tiền thu được từ tỉa thưa cây bước một, gia đình ông còn có thu nhập khá lớn từ các loại cây ăn trái và nghề nuôi nai dưới tán rừng lấy nhung đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Không riêng gì gia đình ông Phạm Văn Hải, ông Đào Duy Mẫn mà hiện nay phần lớn hộ dân nhận khoán đất trồng rừng ở vùng Bảy Núi đã có cuộc sống khá ổn định bằng mô hình kinh tế vườn, rừng. Tre, xoài, hồng quân, chuối và nhiều loại cây ăn trái khác sống khá thích nghi trên đất rừng, không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mà còn giúp cho các chủ rừng có nguồn thu nhập khá.

Ba năm trở lại đây, thực hiện quy hoạch Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trồng dưới tán rừng, Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã xây dựng nhiều tổ hợp tác bảo vệ rừng và trồng cây dược liệu.

Empty

Ông Đào Duy Mẫn, ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên đang áp dụng mô hình trồng rừng, trồng xen cây ăn trái và kết hợp nuôi nai lấy nhung dưới tán rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mặt khác, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang cũng đã thực hiện 12 đề tài nghiên cứu cây dược liệu, nhằm giúp người dân phát triển sản xuất dưới tán rừng và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm dược liệu chủ lực như Bột Huyền Ngũ Hồ Sơn – Bảo Lâm, Rượu Đinh lăng Ngũ Hồ Sơn…

Ông Ngô Văn Thảnh, xã Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang ngoài việc chăm sóc đất rừng gần 15ha, ông còn kết hợp trồng cây ăn trái như: xoài, mãng cầu ta, hồng quân và chuối… mỗi năm đem lại nguồn thu từ 70-100 triệu đồng/năm.

Ông Thảnh cho biết: Việc trồng rừng phải mất thời gian vài chục năm mới có thể cho thu nhập, trong lúc chờ cây rừng lớn ông trồng xen các loại cây ăn trái ở những nơi gần khe nước hay suối giúp cây phát triển nhanh và có năng suất cao. Bên cạnh đó ông còn trồng các loại cây dược liệu ngắn ngày như: Đinh lăng, nghệ đen, nghệ trắng, hà thủ ô, kim cang, ngũ gia bì, đỗ trọng, ngải xanh, ngải đen, ngải trắng, ngải vàng...

Còn ông Nguyễn Minh Đức, ở ấp Núi Két, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên cho biết, các loại cây dược liệu như cây huyền, ngải đen, cây đinh lăng sống rất thích nghi dưới tán rừng và cho nguồn thu nhập khá ổn định, nhờ đó mà diện tích trồng cây dược liệu ngày một tăng nhanh…

Hiện nay, khi đất rừng ở vùng Bảy Núi đã được phủ xanh, nghề chăn nuôi cũng được xem là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân, đặc biệt là bà con người dân tộc Khmer.

Empty

Ngoài việc trồng rừng, bảo vệ rừng nhiều người dân vùng Bảy Núi còn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập. Ảnh: Ngọc Thắng.

Anh Chau Vui, ở ấp Rờ Leng, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn cho biết, trước đây, ngoài tiền hỗ trợ hàng năm của ngành Lâm nghiệp để trồng, chăm sóc, bảo vệ 1 ha rừng, gia đình anh sinh sống chủ yếu nhờ vào mấy công hoa màu trồng dưới tán rừng. Những năm gần đây, khi cây rừng đã giáp tàng không thể trồng rẫy được nữa, anh cũng như nhiều bà con Khmer ở địa phương đã chuyển sang nghề nuôi bò vỗ béo, nuôi heo rừng lai và nuôi dê.

Vùng Bảy Núi ngày nào còn là núi, hoang tàn, giờ đã phủ một màu xanh biếc, màu xanh đó được vun đắp bằng bao mồ hôi và nước mắt của những người dân bám đất giữ rừng. Niềm vui của ông Hải, ông Ba Mẫn, anh Chau Vui cũng như nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng càng được nhân lên theo sự phát triển nhanh chóng của rừng cây. Nhìn cây rừng thẳng tắp, ngọn vươn ra không gian, rễ bám chặt vào đất núi, lòng bà con càng vững tin vào một tương lai tốt đẹp của nghề rừng. 

Bên cạnh đất rừng đã phủ xanh, môi trường sinh thái trong lành, hàng năm, khách thập phương về đây tham quan, nghỉ mát, viếng cảnh, thăm chùa ngày càng thêm đông đúc, vùng Bảy Núi An Giang đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng và thật sự hấp dẫn du khách gần xa.

Xem thêm
Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời

Bình Định Có 1.200 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2025 (Q.FAIR 2025).

Nguy cơ cháy rừng ở Bà Rịa - Vũng Tàu rất cao

Đó là khẳng định của ông Ngô Thanh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa- -Vũng Tàu về tình hình phòng chống cháy rừng trên địa bàn đầu năm 2025.

Hương ước giữ rừng ở xứ sở 'đệ nhất đinh hương'

Nghệ An Nhờ sự đồng lòng gìn giữ, bảo vệ, coi như báu vật của bản, những rừng gỗ đinh hương quý của bản Na Hang đã sinh sôi, vươn lên xanh tốt giữa đại ngàn.

Bình luận mới nhất