Năm 2001, tỉnh Quảng Nam có chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường thanh niên ven biển với kết cấu thảm nhựa đi qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Dự án triển khai đến năm 2008, khi con đường đã cơ bản hoàn thiện, chỉ còn 1 đoạn dài khoảng 1km qua địa phận thôn Xuân Mỹ (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) thì đơn vị thi công chỉ cào mặt bằng đường đất rồi bỏ dở cho đến nay.
Theo ghi nhận, tuyến đường thanh niên ven biển rộng khoảng 7m, đã thảm nhựa toàn tuyến. Tuy nhiên, khi đến vị trí nói trên thì bị bóp thành 1 khúc eo nhỏ rộng chừng 2,5m với chi chít ổ gà, ổ voi. Từ vị trí này đến cuối tuyến không được thảm nhựa, thường xuyên bị sình lầy mỗi khi trời mưa, trời nắng thì bụi mù mịt khiến cho giao thông đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là đoạn đường chính được gần 100 hộ dân trong thôn Xuân Mỹ sử dụng. Không chỉ vậy, nhiều người dân khác ở xã Tam Hải cũng lưu thông qua đoạn đường để lên các chợ ở TP Tam Kỳ buôn bán. Để giải quyết nhu cầu đi lại trước mắt cho bà còn, năm nào, chính quyền thôn, xã Tam Hải cũng vận động nhiều nguồn lực để đổ đá mặt đường giúp phương tiện thuận tiện lưu thông. Nhưng ngặt nỗi, cứ vào mùa mưa, con đường lại trong tình trạng hư hỏng, nhếch nhác.
Ông Huỳnh Chí Cương (1975, trú thôn Xuân Mỹ) cho hay, khi nghe tin tuyến đường thanh niên ven biển qua địa bàn được đầu tư, người dân nơi đây rất vui mừng. “Vậy mà đến nay đã hơn chục năm vẫn chưa thể hoàn thành. Do đường không được trải thảm nhựa, thường xuyên xuống cấp nên đã có rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, trong đó có nhiều người bị thương nặng. Tội nhất là các em học sinh, mỗi lần đi học vào trời mưa luôn phải chịu cảnh lấm lem bùn đất”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, nguyên nhân tuyến đường qua xã chưa thể thi công là do vướng mặt bằng đất của gia đình bàn Trình Thị Mỹ (trú thôn Xuân Mỹ). Dù địa phương đã nhiều lần vận động nhưng chưa các bên chưa thể thống nhất được. “Do đó, hằng năm, xã dành kinh phí đổ đá cấp phối, cát để chống ngập, chống lầy để người dân dễ đi lại. Nhưng cốt nền yếu, không giải quyết được triệt để vấn đề”, ông Hùng thông tin.
Về phần mình, bà Trình Thị Mỹ – người có đất bị ảnh hưởng cho rằng, trước đây, người dân trong thôn tự mở con đường đất qua mảnh vườn của gia đình bà dài gần 100m để thông ra đường chính. Đến khi triển khai dự án đường thanh niên ven biển, chính quyền địa phương xã Tam Hải đã 2 lần lập bản kê khai với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng của gia đình bà là 1.200m2 và 1.600 cây keo, dương liễu. Tuy nhiên sau đó lại vận động gia đình bà hiến đất chứ không đền bù.
“Phần đất và tài sản bị ảnh hưởng rất lớn, dù ít hay nhiều cũng phải đền bù cho tôi. Những năm qua, tôi làm đơn yêu cầu UBND huyện Núi Thành sớm giải quyết nhưng chưa nhận được hồi âm. Tôi chỉ yêu cầu địa phương bồi thường đất, cây cối bị ảnh hưởng theo giá Nhà nước. Khi nào được bồi thường tôi mới bàn giao mặt bằng để thi công làm đường”, bà Mỹ trần tình.
Theo ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, đường thanh niên ven biển trước đây không có nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Toàn bộ người dân từ huyện Duy Xuyên đến Núi Thành đồng lòng, hiến đất cùng nhà nước làm đường.
“Trước đây bà Mỹ có hiến đất, nhưng giấy tờ ngày xưa xã lập bị thất lạc. Đến nay, bà Mỹ khiếu kiện đến nhiều nơi, tôi đã hai lần đối thoại, giải thích nhưng bà này không đồng tình. Nguồn vốn cho dự án đã đóng từ lâu, để giải quyết dứt điểm, tránh kiện tụng kéo dài thì đề nghị bà Mỹ khởi kiện ra toà”, ông Sinh nói.