| Hotline: 0983.970.780

5.600 ngư dân cả nước được hỗ trợ, vươn khơi bám biển

Thứ Sáu 07/04/2023 , 20:57 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, nhất là trong bối cảnh EC áp dụng thẻ vàng IUU, 5.600 phần quà sẽ được gửi đến bà con ngư dân trên cả nước.

Tối 7/4, tại khách sạn REX (quận 1, TP.HCM), báo Pháp luật TPHCM đã tổ chức chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển". Chương trình nhằm động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển và góp phần bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tuyên truyền ngư dân ý thức tuân thủ pháp luật khi đánh bắt trên biển nhằm thực hiện Kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Đến tham dự chương trình có ông Trương Hòa Bình - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản và nhiều lãnh đạo của TP. HCM.

Trong bối cảnh hiện nay, khi hải sản Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu gắn thẻ vàng 5 năm qua chưa gỡ được; đời sống của bà con ngư dân đang gặp không ít khó khăn, câu chuyện ấy đặt ra nhiều trăn trở với tất cả người dân Việt Nam.

Với phương châm: “Mỗi ngư dân là một cột mốc sống chủ quyền” trên biển. Để thực hiện tốt được điều đó, mỗi cột mốc ấy ngày một vững chắc hơn; để mỗi ngư dân ngày càng an tâm bám biển, khai thác đánh bắt hải sản một cách an toàn, đúng pháp luật, vừa phát triển sinh kế vừa gìn giữ chủ quyền, điều đó rất cần sự chung sức chung lòng của toàn xã hội.

Hơn 5.600 phần quà ý nghĩa sẽ được gửi đến ngư dân nhằm đồng hành, yên tâm vươn khơi bám biển, nhất trong bối cảnh EC gắn thẻ vàng IUU. Ảnh: Lê Bình.

Hơn 5.600 phần quà ý nghĩa sẽ được gửi đến ngư dân nhằm đồng hành, yên tâm vươn khơi bám biển, nhất trong bối cảnh EC gắn thẻ vàng IUU. Ảnh: Lê Bình.

Dự kiến chương trình sẽ diễn ra ở 28 tỉnh thành có biển, quy mô toàn quốc, trong 3 năm từ đây cho đến năm 2025.

Theo Phó tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM Nguyễn Thái Bình - Phó Trưởng ban tổ chức: Tại mỗi địa phương sẽ chọn 200 ngư dân có hoàn cảnh khó khăn để nhận quà. Như vậy tổng cộng sẽ có 5.600 ngư dân trong cả nước được nhận quà từ chương trình.

"Mỗi bộ quà tặng trị giá trị giá hơn 4 triệu đồng gồm: bộ ắc quy phục hồi, sạc, đèn Led, 1 cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản và 1 túi thuốc. Tổng kinh phí thực hiện, dự kiến hàng chục tỉ đồng", ông Bình thông tin.

Phát biểu tại chương trình, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá đây là một chương trình mang nhiều ý nghĩa chính trị - pháp lý - xã hội, góp phần thiết thực hơn nữa trong việc nâng cao đời sống bà con ngư dân, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân nói chung và ngư dân nói riêng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại chương trình. Ảnh: Lê Bình.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại chương trình. Ảnh: Lê Bình.

"Các hành động cụ thể của Chương trình sẽ tiếp tục góp phần thể hiện một tinh thần mạnh mẽ là TP. HCM luôn chung sức, chung lòng để gắn kết đất liền với hải đảo, để biển đảo Việt Nam ngày một vững mạnh hơn, yên bình hơn, giàu có hơn", ông Khuê nhấn mạnh.

Ngoài ra, chương trình sẽ kết hợp với chính quyền địa phương trao thêm một số phần quà (học bổng, xe đạp, sách, tập...) cho con em những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn. Ngoài ra, thông qua chương trình còn tuyên dương, nhân rộng những mô hình, những nhân tố tích cực biết làm giàu từ biển; có những hành động tốt đẹp để bảo vệ biển, nuôi dưỡng nguồn sinh sôi của biển; tạo ra các giá trị cạnh tranh cho ngành thủy sản Việt vươn ra quốc tế.

Các con em những gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn cũng được trao tặng học bổng, xe đạp, sách, tập... để vững bước tới trường. Ảnh: Lê Bình

Các con em những gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn cũng được trao tặng học bổng, xe đạp, sách, tập... để vững bước tới trường. Ảnh: Lê Bình

Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP. HCM đánh giá: Chương trình "Thắp sáng đèn trên biển" giúp tuyên truyền, giáo dục ngư dân về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo; động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

"Gỡ thẻ vàng IUU không chỉ là đáp ứng cho việc xuất khẩu của ngành thủy sản mà thúc đẩy ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia, cũng là hành động thiết thực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hướng ra biển, thắp sáng đèn trên biển chính là những hành động thiết thực: thúc đẩy phát triển những ngành kinh tế thân thiện với xu hướng xanh; khai thác gắn với bảo tồn, nuôi trồng, hay đầu tư sâu vào chế biến để tăng giá trị hàng xuất khẩu", bà Yến bày tỏ.

Chương trình góp phần xây dựng nhận thức, hành động chung của ngư dân Việt, để mỗi ngư dân nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung ngày càng hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm cấp bách của mình trước việc bảo vệ môi trường, nguồn sinh của biển cả; tuân thủ luật pháp quốc tế khi tham gia vào luật chơi chung của toàn cầu…

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.