| Hotline: 0983.970.780

Nam Định chỉ đạo kiểm tra thông tin 'dùng đất bùn làm mái đê xung yếu'

Thứ Hai 12/06/2023 , 16:33 (GMT+7)

Nam Định liên tiếp ra các văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin đơn vị thi công 'dùng đất bùn, vật liệu không đúng quy chuẩn' thi công mái đê xung yếu.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định vừa phát văn bản số 389 ngày 8/6 yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND thành phố Nam Định; UBND huyện Nam Trực kiểm tra xử lý vi phạm đê điều xảy ra trên địa bàn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Nam Định để xảy ra 5 vụ vi phạm pháp luật đê điều, đã giải toả 4 vụ, đang tồn tại một vụ tại vị trí K164+800 thuộc địa phận xã Nam Phong (TP.Nam Định); 2 vụ vi phạm pháp luật đê điều tại vị trí K180+850 thuộc xã Nam Thanh và vị trí K15+450 tuyến đê tả Đào (thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực).

Yêu cầu huyện Nam Trực chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm đê điều chưa được giải tỏa, báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh trong tháng 6/2023 đồng thời có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Dùng đất bùn để tu sửa đê xung yếu?

Thông tin phản ánh việc đơn vị thi công sử dụng vật liệu không đúng quy chuẩn đã được phê duyệt xảy ra tại Dự án thành phần số 7 tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025. Đơn vị thi công có dấu hiệu sử dụng đất đắp không tuân thủ hồ sơ thiết kế, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ gây mất an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang đến gần.

Đất bùn được sử dụng để thi công tuyến đê tả Đào đoạn qua địa bàn huyện Nam Trực. Ảnh: Báo Xây dựng.

Đất bùn được sử dụng để thi công tuyến đê tả Đào đoạn qua địa bàn huyện Nam Trực. Ảnh: Báo Xây dựng.

Dự án này nhằm mục đích nâng cấp đê, xử lý các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê, hoàn thiện mặt cắt thiết kế đê theo quy hoạch để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như từng bước tăng cường khả năng chống lũ, bảo vệ hệ thống đê điều; dần xóa các trọng điểm xung yếu, đảm bảo yêu cầu chống lũ, bão, kết hợp giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chủ đầu tư dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định. Tổng mức đầu tư dự án thành phần số 7 là trên 72,4 tỷ đồng.đồng.

Vị trí xảy ra sai phạm thuộc tuyến đê qua xã Nam Hồng và xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), đơn vị thi công có dấu hiệu gian lận trong việc mua bán, sử dụng vật liệu đắp ta-luy mái đê.

Người dân địa phương nhận định đơn vị thi công đã dùng đất bùn, không phải là đất sét theo như thiết kế.

Đơn vị thi công dùng đất bùn để làm vật liệu đắp tuyến đê tả Đào, đoạn qua địa bàn huyện Nam Trực. Ảnh: Báo Xây dựng.

Đơn vị thi công dùng đất bùn để làm vật liệu đắp tuyến đê tả Đào, đoạn qua địa bàn huyện Nam Trực. Ảnh: Báo Xây dựng.

Ông Hoàng Đình Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định) giải thích, dự án làm tuyến đê tại xã Nam Hồng và xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực) quy mô đắp đất hoàn thiện mặt cắt sau đó cứng hóa mặt đê.

Thiết kế thi công đắp đê là đất thịt, đất sét sau đó xử lý nền, móng và đổ bê tông mặt đê. Đơn vị nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần xây dựng công trình Nam Đô.

Về nguyên liệu thi công mái đê được cho rằng đó là bùn chứ không phải đất, ông Vũ Văn Biên, Phó phòng giám sát (Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định) lý giải: Nam Định hiện không có mỏ đất nào. Hình ảnh đất bùn báo chí ghi nhận là đất nạo vét ở ao, hồ, đầm rồi chở đến. Dự án này đơn vị thiết kế cũng không chỉ được địa điểm nào để khai thác và chỉ ghi là đất mua.

Theo tìm hiểu, công trình tu bổ tuyến đê tả Đào đi qua 2 xã của huyện Nam Trực được khởi công từ tháng 3/2023, hiện đang tập kết đất để đắp đê. Đất đắp được công ty Nam Đô – đơn vị thi công mua từ tỉnh Ninh Bình, được vận chuyển bằng tàu thuỷ sau đó vận chuyển bằng ô tô đưa ra công trường.

Ngày 5/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã yêu cầu Sở NN-PTNT kiểm tra, xử lý thông tin đơn vị thi công dùng đất bùn để tu bổ mái đê xung yếu thuộc hệ thống đê điều tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 không tuân thủ hồ sơ thiết kế, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ gây mất an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang đến gần.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết đang thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh thông tin báo chí nêu, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/6.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật đê điều, xây dựng công trình trái phép, xây dựng trạm trộn bê-tông trong hành lang bảo vệ đê và hàng lang thoát lũ. Tỉnh Nam Định đã yêu cầu tháo dỡ, cưỡng chế nhiều công trình sai phạm, trong đó có sai phạm của các doanh nghiệp trên địa bàn như trạm trộn bê-tông quy mô lớn của các Công ty Đức Chiến, Thủy Nguyên, Hà Thành, Hải Thắng (thuộc hành lang đê sông Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng và huyện Hải Hậu).

Ngoài ra, việc các phương tiện trọng tải lớn chở bê tông thương phẩm ra vào tấp nập gây ô nhiễm môi trường, đe dọa an toàn thân đê.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.