| Hotline: 0983.970.780

Nhiều diện tích lúa bỏ hoang vì thủy điện Hà Nang chặn nước

Thứ Ba 01/08/2023 , 07:51 (GMT+7)

Có ruộng nhưng không thể sản xuất lúa vì thủy điện dựng đập chặn dòng nước, người dân đành chấp nhận đi làm thuê để kiếm tiền mua từng kg gạo.

Thủy điện Hà Nang của Công ty TNHH MTV Thiên Tân được xây dựng ở thôn 5, xã Trà Thủy (Trà Bồng, Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Thủy điện Hà Nang của Công ty TNHH MTV Thiên Tân được xây dựng ở thôn 5, xã Trà Thủy (Trà Bồng, Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Đó là thực trạng diễn ra gần 15 năm nay ở thôn 2 (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Tại đây có đa số là bà con đồng bào dân tộc Cor sinh sống, kinh tế phục thuộc vào trồng rừng và sản xuất nông nghiệp. Do đất canh tác hạn chế nên nguồn lương thực của hàng chục hộ dân ở thôn này trước đây phụ thuộc vào việc trồng lúa ở 3 cánh đồng gồm Dờ Mâu, Nà Tà Núc và Trà Lý với diện tích khoảng 12ha.

Thế nhưng, từ năm 2008, khi Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân ngăn đập trên dòng suối nước Nung để xây dựng thủy điện Hà Nang, những diện tích đất nông nghiệp nói trên không còn có nước sản xuất, người dân đành phải bỏ hoang. Ghi nhận tại những cánh đồng này, ruộng lúa của bà con bây giờ đa số đều khô khốc, cỏ dại mọc um tùm, một số nơi đã được chuyển qua trồng keo.

Nhiều diện tích lúa của người dân thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng bỏ hoang vì không có nước sản xuất. Ảnh: L.K.

Nhiều diện tích lúa của người dân thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng bỏ hoang vì không có nước sản xuất. Ảnh: L.K.

Lần lượt dẫn chúng tôi đi qua 3 cánh đồng bây giờ đã hoang hóa, anh Hồ Văn Hùng (trưởng thôn 2, xã Trà Thủy) cho biết, trước khi chưa có thủy điện, nước tưới đầy đủ thì ruộng lúa của bà con nơi đây rất xanh tốt. Thậm chí, có những địa điểm còn được lựa chọn để thực hiện mô hình cho năng suất cao. Nhìn chung, với những hộ dân có ruộng tại thôn 2 thì hàng năm đều không phải lo lắng về vấn đề lương thực.

“Nhà tôi có 5 sào trồng lúa ở 2 cánh đồng Nà Tà Núc và Dờ Mâu. Bây giờ  không có nước cả nên tôi bỏ không sản xuất hơn 10 năm rồi. 1 số hộ khác chuyển qua trồng keo nhưng với diện tích chỉ vài sào, sau 5 năm thu hoạch hiệu quả cũng không đáng bao nhiêu. Đất không thể sản xuất nên các hộ dân trong thôn phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền mua gạo. Mà gạo giá cao có dám mua mỗi lần 1 bao đâu, cứ mua lần vài kg, thấy tội lắm”, anh Hùng chia sẻ.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư để tưới tiêu cho những đồng lúa ở thôn 2 không thể sử dụng nhiều năm nay gây lãng phí. Ảnh: L.K.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư để tưới tiêu cho những đồng lúa ở thôn 2 không thể sử dụng nhiều năm nay gây lãng phí. Ảnh: L.K.

Cũng theo anh Hùng, toàn thôn 2 có khoảng 60 hộ dân bị ảnh hưởng đất đất sản xuất khi thủy điện ngăn đập chặn dòng nước. Mặc dù vậy, suốt gần 15 năm qua, phía Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân chỉ 1 lần hỗ trợ cho mỗi hộ dân được vài chục kg gạo, còn không đền bù thiệt hại gì thêm. Bức xúc trước vấn đề này, những năm qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp xã, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng chủ đầu tư thủy điện vẫn không có thiện chí khắc phục, giải quyết.

Chưa hết, trước khi Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân ngăn đập xây dựng thủy điện, tại các cánh đồng Dờ Mâu, Nà Tà Núc và Trà Lý đã được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi bài bản, gồm hệ thống kênh bê tông, ống dẫn nước bằng thép. Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, công trình này giờ đã không còn phát huy được hiệu quả vì không còn nước để dẫn về. Nhiều đoạn kênh có mọc phủ kín, một số đoạn khác bị đất đá bồi lấp gây lãng phí.

Kênh thủy lợi dẫn nước bị đất đá bồi lấp hoàn toàn. Ảnh: L.K.

Kênh thủy lợi dẫn nước bị đất đá bồi lấp hoàn toàn. Ảnh: L.K.

Trao đổi với phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này, ông Hồ Văn Tự, Chủ tịch UBND xã Trà Thủy cho biết, đập ngăn dòng mà Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân xây dựng ở thủy điện Hà Nang hiện trạng là đập đất chứ không phải đập gia cố bê tông cốt thép. Đến nay, đã qua hơn 10 năm sử dụng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho vùng hạ du, nhất là vào mùa mưa bão.

“Do đó, xã đã kiến nghị với công ty Thiên Thân gia cố đập để đảm bảo an toàn đồng thời cho mực nước chảy tối thiểu để cung cấp nước cho người dân ở thôn 2 sản xuất lúa. Những năm trước, công ty rất ít khi làm việc với xã và thường phớt lờ kiến nghị của địa phương cũng như người dân.

Vừa qua, sau khi Bí thư Huyện ủy tiến hành đối thoại, chúng tôi cũng đã thành lập đoàn đi kiểm tra. Công ty cũng cam kết lắp trạm bơm nhưng không biết vận hành thế nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ trích kinh phí để sữa chữa lại hệ thống thủy lợi đảm bảo dẫn nước về đến đồng ruộng. Riêng về nội dung kiến nghị gia cố đập thì không thấy công ty Thiên Tân trả lời”, ông Tự nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.