Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Kóu được hình thành trên cơ sở khu rừng sến do Hạt kiểm lâm rừng sến quản lý bảo vệ.
Năm 1996, Khu BTTN Tà Kóu được thành lập có tổng diện tích 17.823 ha, nằm giáp ranh 5 xã gồm Hàm Cường, Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận và thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam).
Ngày 19/3/1997, UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thành BQL BTTN Tà Kóu. Hiện nay BQL BTTN Tà Kóu quản lý tổng diện tích 10.503 ha gồm đất rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
Cấp sổ đỏ sai quy định
Theo thanh tra, diện tích đất hơn 2.731 m2 làm trụ trở của BQL BTTN Tà Kóu nằm trong tiểu khu 296B loại rừng sản xuất được phê duyệt quy hoạch tại các quyết định (QĐ) 09, QĐ 674 và QĐ714 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên căn cứ QĐ 1784 của UBND tỉnh ngày 28/5/2014, Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho BQL khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Kóu với diện tích trên tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam là không đúng quy định của pháp luật. Bởi diện tích đất trên chưa có quyết định điều chỉnh ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng.
Bên cạnh đó, đối với diện tích hơn 73 ha/460 ha trên địa bàn xã Thuận Quý được UBND tỉnh giao để bố trí đất sản xuất cho người dân, nhưng chưa có phương án phê duyệt. Trong đó hơn 36 ha của 26 hộ gia đình, cá nhân đã được UBND huyện Hàm Thuận Nam cấp GCNQSDĐ là chưa đảm bảo quy định.
Chưa hết, từ năm 1999 đến năm 2015, UBND huyện Hàm Thuận Nam cấp chồng lấn 9,2772 ha đất lâm nghiệp do BQL khu BTTN Tà Kóu quản lý. Trong đó 2 trường hợp cấp GCNQSDĐ trước thời điểm cấp GCNQSDĐ cho khu BTTN Tà Kóu (trước 2004) và 7 trường hợp còn lại sau thời điểm 2004.
Tuy nhiên trong số 7 trường hợp trên, có 5 trường hợp cấp giấy chứng nhận không đúng quy định, vì thời điểm này UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho khu BTTN Tà Kóu. Trong khi đó, nhiều trường hợp đã chuyển nhượng diện tích đất. Sai sót này, thuộc về trách nhiệm của huyện Hàm Thuận Nam và các cơ quan tham mưu cấp giấy.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng và xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam mới thực hiện đo đạc 65,9 ha/122,51 ha là chậm so với yêu cầu. Từ đó, dẫn đến hiện nay vẫn chưa cấp GCNQSDĐ với diện tích 122,51 ha cho nhân dân.
Tương tự, hơn 690 ha bố trí cho các hộ dân tại xã Tân Thuận, UBND huyện Hàm Thuận Nam, các cơ quan chức năng và địa phương này mới đo đạc được 390 ha là chậm theo yêu cầu. Cũng như việc UBND xã Tân Thuận chậm triển khai lập phương án bố trí đất sản xuất đất nông nghiệp cho nhân dân, từ đó dẫn đến vẫn chưa cấp GCNQSDĐ cho dân với diện tích hơn 690 ha.
Đối với việc quy hoạch 3 loại rừng, thanh tra tỉnh đánh giá triển khai thực hiện còn chậm. Thêm vào đó việc tiến hành bố trí đất sản xuất, ổn định cuộc sống người dân vùng ven để giảm thiểu tác động tiêu cực, xâm hại khu bảo tồn chưa được triển khai kịp thời…
“Do chưa sắp xếp, bố trí ổn định sản xuất, không quản lý được đối tượng sản xuất vùng ven khu bảo tồn nên tình trạng xâm lấn vào khu bảo tồn vẫn còn diễn ra”, báo cáo kết luận thanh tra nêu rõ.
Yêu cầu xử lý trách nhiệm
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc chưa triển khai xong cấp GCNQSDĐ cho nhân dân đối với diện tích đất đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng giao cho xã quản lý.
Đồng thời chỉ đạo UBND các xã liên quan phối hợp BQL BTTN Tà Kóu rà soát thống kê số hộ đang sản xuất nông nghiệp, trồng thanh long trên đất chuyển mục đích sử dụng từ khu bảo tồn để làm cột mốc, ranh giới và làm cam kết không xâm lấn.
Kiểm tra, xử lý dứt điểm và đúng pháp luật đối với việc cấp GCNQSDĐ chồng lấn đất lâm nghiệp của khu BQL BTTN Tà Kóu quản lý với diện tích 9,2772 ha.
Về việc cấp GCNQSDĐ với diện 2.731 m2 không đúng quy định, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở TN-MT kiểm điểm trách nhiệm. Đồng thời phối hợp Sở NN-PTNT xử lý việc cấp GCNQSDĐ với diện tích này.
Lãnh đạo tỉnh giao Sở NN-PTNT kiểm tra, làm rõ hiện trạng vị trí, ranh giới 1.806 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; trong đó rà soát diện tích 431 ha đất có rừng để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định. Đồng thời, kiểm điểm rút kinh nghiệm các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng rừng và quản lý rừng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời thực hiện khắc phục sai phạm, thiếu sót và báo cáo kết quả thực hiện trong quý 1/2020 thông qua thanh tra tỉnh. Lãnh đạo tỉnh giao Chánh thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực kết luận theo quy định của pháp luật