| Hotline: 0983.970.780

TP HCM: Nước đục đã ngoài tầm kiểm soát

Thứ Sáu 27/03/2009 , 08:15 (GMT+7)

Ngay khi bước vào cao điểm mùa khô, nhiều hộ dân tại TPHCM đã hứng chịu ngay cảnh “khổ kép”: nước vàng đục và thiếu nước sinh hoạt.

* Giá nước có nơi lên đến... 200.000đ/m3

Cục bông gòn biến thành màu vàng ngay khi hứng nước máy tại hộ bà Bùi Thị Xuân

Ngay khi bước vào cao điểm mùa khô, nhiều hộ dân tại TPHCM đã hứng chịu ngay cảnh “khổ kép”: nước vàng đục và thiếu nước sinh hoạt.

Liên tiếp mấy ngày qua, nhiều người dân trên đường Lũy Bán Bích, Lương Đắc Bằng, Tân Hóa (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) và đường Lạc Long Quân (quận 11) phản ánh nước máy tại khu vực này thường xuyên bị vàng đục và có mùi tanh.

Trưa ngày 26/3, chúng tôi có mặt tại hộ của bà Bùi Thị Xuân (số 23/4 Lương Đắc Bằng) và dùng một cục bông gòn để kiểm chứng tình trạng nước đục. Chỉ chưa đầy 1 phút chúng tôi đã có kết quả: cục bông gòn đặt dưới vòi nước bỗng chốc vàng khè, lợn cợn đất cát. Bà Xuân cho biết, gần như ngày nào cũng tái diễn tình trạng này, đặc biệt là vào chiều tối có lúc đen đặc như nước cống.

Các hộ xung quanh nhà bà Xuân cũng chịu cảnh tương tự, nhiều hộ đã phải đi mua bình lọc về để lọc hết đất mới dám sử dụng. “Chúng tôi cũng dự báo trước được chuyện này, nhưng không nghĩ chất lượng nước còn tệ hơn năm trước, dù được biết nhà nước đã bỏ nhiều tỷ đồng để khắc phục” – anh Nguyễn Minh Hùng (ngụ đường lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) nói.

Tình trạng nước máy liên tục vàng đục cũng xảy ra tại khu vực đường Vườn Lài (phường Tân Thành, quận Tân Phú) và đường Nguyễn Minh Hoàng (phường 12, Q.Tân Bình). Nhiều người dân bày tỏ sự lo ngại sắp tới nguồn nước máy sẽ còn xuống cấp hơn nữa khi các công trình đào đường “rồng rắn” tại TPHCM đang xâm hại nghiêm trọng đến các đường ống dẫn nước.

Tuy nhiên, dù nước đục nhưng người dân ở đây vẫn còn có nước (dù không sạch) để giải quyết các nhu cầu sinh hoạt. Tại nhiều khu vực của huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 4, 7,… nhiều hộ dân phải canh nhau thức đêm hứng từng chậu nước, hoặc phải chịu cảnh “ăn đong” từng can nước với giá “cắt cổ”. Cô Đỗ Thị Hiệp nhà ở Bến Vân Đồn (phường 5, quận 4) cho biết, mấy tuần trở lại đây nước máy bỗng dưng chảy nhỏ giọt như “bố thí”. “Hì hục cả đêm cũng chỉ đủ xài trong ngày thôi” – cô Hiệp nói.

Theo Phòng Kiểm soát ô nhiễm nước (Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và bảo vệ môi trường), nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nước vàng đục là do hàm lượng Mangan (Mn) trong nước vượt quá mức quy định 0,02mg/l (dưới mức bám cặn, không gây đục nước). Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là phải xử lý Mn từ nguồn (từ sông), bởi nếu xử lý tại nhà máy thì lượng Mn được loại bỏ vẫn lẩn quẩn đâu đó. Chúng bám vào các thành ống, vách ngăn dưới dạng MnO2, vi khuẩn và phát triển rất nhanh. Khi có sự xáo trộn nhẹ là chúng rớt ra và hòa vào đường ống dẫn nước.

Đáng chú ý là kết quả giám sát chất lượng nước máy của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM mới đây còn cho thấy, nước máy tại một số khu vực quận Tân Bình, Bình Tân…không những vàng đục mà còn không đạt nồng độ clo dư, gần 20% số mẫu phân tích (107 mẫu) không đạt chỉ tiêu về vi sinh.

Trong khi đó, khu vực nổi tiếng khan hiếm nước sạch trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) mấy ngày qua đã trở nên vô cùng căng thẳng. Giá nước sạch ở đây có thể “đắt nhất thế giới” (lời một người dân) có lúc lên tới gần 200.000 đồng/m3. Do đây là khu vực ngoại thành, đông người nhập cư nghèo nên khi giá nước lên cao ngất, nhiều hộ đã phải tính nước chuyển chỗ trọ để tránh “tiền nước cao hơn cả tiền thuê nhà”.

Giải thích hiện tượng này, TCty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho rằng, do đang vào cao điểm mùa khô nên nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng lên trong khi sản lượng nước nguồn không thay đổi là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng thiếu nước càng thêm gay gắt. Thực tế áp lực nước từ các nhà máy Thủ Đức, Tân Hiệp về khu vực quận 7, Nhà Bè đã giảm 0,2-0,5 bar (tức cột nước giảm 20-50cm). Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhà máy nước BOO Thủ Đức hiện chưa phát nước được, các nhà máy nước Thủ Đức (công suất 750.000m3/ngày), Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày) và một số cụm giếng ngầm đã khai thác tối đa công suất, vì thế tình trạng thiếu nước trong cao điểm mùa khô năm nay đã… vượt ngoài tầm kiểm soát!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.