UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc xử lý vụ án dân sự giữa Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa (Công ty nước Thanh Hóa) khởi kiện Công ty Cổ phần Thảo Trung (Công ty Thảo Trung).
UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh có văn bản trả lời nguyên đơn (Công ty nước Thanh Hóa) xung quanh việc thực hiện hợp đồng thi công hệ thống cấp nước khu du lịch hồ Kim Quy và làng cổ Đông Sơn. Vụ việc đã được Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa phúc thẩm lần 2 và trả lại hồ sơ để Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa xét xử theo thẩm quyền.
Nhận tiền từ chủ đầu tư nhưng rồi...
Theo đơn khởi kiện của Công ty nước Thanh Hóa, năm 2007, Công ty Thảo Trung và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và luyện Kim Thanh Hóa được UBND phường Hàm Rồng giao thầu để thi công công trình hệ thống cấp nước khu du lịch hồ Kim Quy và làng cổ Đông Sơn, TP Thanh Hóa.
Sau đó, Công ty Cổ phần Thảo Trung, đại diện liên danh nhà thầu và Công ty nước Thanh Hóa đã ký hợp đồng kinh tế số 102/HĐXD ngày 28/12/2007 về việc xây dựng hệ thống cấp nước khu du lịch hồ Kim Quy và làng cổ Đông Sơn với giá trị hợp đồng và phụ lục hợp đồng hơn 4,4 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 7 của hợp đồng, số tiền Công ty Thảo Trung được thanh toán từ chủ đầu tư bao nhiêu thì phải thanh toán cho Công ty nước Thanh Hóa, chỉ giữ lại phần tiền bảo hành, tiền đóng góp cho công ty.
Không lâu sau, Công ty nước Thanh Hóa đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết. Ngày 30/9/2008, công trình được nghiệm thu, hoàn thành, bàn giao và đi vào sử dụng.
Ngày 30/1/2013, chủ đầu tư (phường Hàm Rồng) đã chuyển đủ toàn bộ số tiền được duyệt quyết toán cho Công ty Thảo Trung. Tuy nhiên, công trình sau đó bị giảm trừ 325 triệu đồng sau thanh tra. Số tiền còn lại Công ty Thảo Trung được nhận là 3,8 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Thảo Trung đã cho Công ty nước Thanh Hóa ứng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Số tiền còn thiếu trong hợp đồng hơn 1,4 tỷ đồng (sau khi đã trừ đi số tiền giảm trừ quyết toán, tiền 5% đóng góp cho Công ty Cổ phần Thảo Trung và số tiền Công ty nước Thanh Hóa đã tạm ứng trước đó…).
Với số nợ còn lại, mặc dù Công ty nước Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản đòi nợ Công ty Thảo Trung nhưng bất thành. Công ty nước Thanh Hóa đã quyết định khởi kiện, đề nghị tòa án giải quyết, buộc Công ty Thảo Trung phải thanh toán số nợ còn lại cho Công ty nước Thanh Hóa.
Tòa cấp huyện tuyên buộc trả nợ, tòa tỉnh “bác”
Tại phiên tòa sơ thẩm năm 2016, Công ty Thảo Trung thừa nhận việc ký hợp đồng với Công ty nước Thanh Hóa để thi công hệ thống cấp nước sạch khu du lịch hồ Kim Quy và làng cổ Đông Sơn.
Tuy nhiên, Công ty Thảo Trung không chấp nhận đề nghị thanh toán của Công ty nước Thanh Hóa vì lý do: Hai bên chưa lập hồ sơ quyết toán nên chưa thống nhất được số nợ; Công ty nước Thanh Hóa không có tài liệu chứng minh khoản nợ mà Công ty Thảo Trung phải trả là bao nhiêu; các văn bản yêu cầu trả nợ không có hồ sơ gốc nên không đảm bảo tính pháp lý, không có cơ sở để thanh toán…
Người đại diện theo ủy quyền của Công ty Thảo Trung còn cho rằng, trong quá trình thi công xây dựng, công ty tham gia xây dựng khoảng 30% khối lượng công trình, nên Công ty nước Thanh Hóa đòi Công ty Thảo Trung phải thanh toán 100% khối lượng công trình là không đúng…
Tuy nhiên, luận cứ này không được tòa án chấp nhận vì không có căn cứ chứng minh.
Trong khi đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty nước Thanh Hóa cho rằng, đơn vị đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng, có biên bản nghiệm thu công trình; quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành. Đến nay, công trình cũng đã được đưa vào sử dụng, và hết thời hạn bảo hành. Chủ đầu tư đã chuyển hết số tiền cho Công ty Thảo Trung nhưng doanh nghiệp này cố tình chây ì, chiếm dụng vốn, không chịu thanh toán số tiền còn thiếu cho Công ty nước Thanh Hóa.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, ngày 15/6/2016, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa cho rằng, căn cứ hợp đồng kinh tế hai bên đã ký, Công ty nước Thanh Hóa đã thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng.
Tòa sơ thẩm xác định, công trình đã được quyết toán dự án hoàn thành với tổng giá trị quyết toán toàn phần chi phí xây dựng được duyệt. Số tiền còn lại hơn 1,4 tỷ đồng, Công ty Thảo Trung vẫn chưa thanh toán cho Công ty nước Thanh Hóa.
“Theo cam kết tại Điều 7 của Hợp đồng 102/HĐXD ngày 28/12/2007, hai bên thống nhất lấy khối lượng thực tế thi công làm cơ sở cho việc thanh toán; số tiền bên A được thanh toán từ chủ đầu tư bao nhiêu phải thanh toán hết cho bên B, chỉ giữ lại tiền bảo hành, tiền đóng góp cho công ty. Công ty Thảo Trung lấy lý do Công ty nước Thanh Hóa không cung cấp cho công ty Thảo Trung hồ sơ quyết toán là không có cơ sở.
Từ căn cứ trên, Hội đồng xét xử đánh giá, Công ty nước Thanh Hóa yêu cầu Công ty Thảo Trung thanh toán toàn bộ số tiền còn lại sau khi trừ chi phí (đã nêu tại phần 1) số tiền hơn 1,4 tỷ đồng là có căn cứ.
Tòa án sơ thẩm cũng buộc Công ty Thảo Trung phải thanh toán cho Công ty nước Thanh Hóa số tiền còn lại theo hợp đồng kinh tế số 102, ngày 28/12/2007 là 1,4 tỷ đồng.
Sau khi nhận được kháng cáo của Công ty Thảo Trung đối với bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên hủy bản án sơ thẩm ngày 15/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố, chuyển hồ sơ cho tòa án sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Lý do hủy được đưa ra là: Tài liệu chứng cứ chứng minh về khoản nợ của Công ty Thảo Trung do Công ty nước Thanh Hóa cung cấp chưa đảm bảo để làm căn cứ kết luận; hai bên còn có nhiều văn bản qua lại chưa thống nhất được các hồ sơ thủ tục quyết toán. Do vậy, án sơ thẩm trước đó bị hủy, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân TP Thanh Hóa xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Sau nhiều năm “đẩy đi, đẩy lại”, năm 2021, Tòa án nhân dân TP Thanh Hóa bất ngờ ban hành quyết định đình chỉ vụ án do nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện. Tiếp đó, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận kháng cáo của Công ty nước Thanh Hóa vì quá hạn. Vụ việc đến nay rơi vào bế tắc trước sự bất lực của nguyên đơn - Công ty nước Thanh Hóa.
Trao đổi với phóng viên NNVN, Luật sư Lê Phượng, Công ty Luật TNHH Lê Phượng Hoàng (Thanh Hóa) cho rằng, việc tòa án đưa ra quyết định đình chỉ vụ án là không thuyết phục, không đúng pháp luật:
“Trong vụ việc này các cơ quan có liên quan đều xác định Công ty cấp nước Thanh Hóa là đơn vị duy nhất thi công công trình. Tuy nhiên thay vì thực hiện xác định giá trị công trình xây dựng trên thực tế để làm căn cứ giải quyết vụ án thì tòa án chỉ căn cứ vào trình bày của bị đơn (Công ty Thảo Trung) để yêu cầu Công ty nước Thanh Hóa phải cung cấp bản gốc hồ sơ quyết toán, chứng minh cho khoản nợ của Công ty Thảo Trung. Đây là biểu hiện của việc xét xử cứng nhắc, không khách quan, không đúng bản chất vấn đề.
Bởi lẽ, toàn bộ hồ sơ gốc Công ty nước Thanh Hóa đã chuyển cho Thảo Trung để quyết toán, thanh toán với chủ đầu tư, chỉ giữ lại bản sao chứng thực và các biên bản đối chiếu công nợ gốc. Việc tòa án yêu cầu Công ty nước Thanh Hóa cung cấp hồ sơ nêu trên là không xác đáng. Mặt khác, quyết định đình chỉ vụ án có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của Công ty nước Thanh Hóa", Luật sư Lê Phương nhận định.