| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn: Vừa khôi phục sản xuất, doanh nghiệp đã nhận trát thanh tra, kiểm tra

Thứ Ba 28/12/2021 , 10:47 (GMT+7)

Dù đang phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hoạt động đình trệ, nhưng một số doanh nghiệp tại Bắc Kạn vẫn phải nhận Quyết định Thanh tra, kiểm tra định kỳ.

Sở Tài nguyên và Môi trường có ý làm trái?

Ngày 1/12/2021, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, ông Hoàng Thanh Oai đã ban hành Quyết định số 587 “Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Tài nguyên và Môi trường đối với 7 tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Đoàn kiểm tra gồm 7 người, do ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn; ông Lương Thanh Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở làm Phó Trưởng đoàn; cùng 5 thành viên là lãnh đạo, cán bộ của các phòng: Thanh tra, Môi trường, Khoáng sản, Đất đai.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường của các tổ chức theo Kế hoạch đã được phê duyệt, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.

'Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Tài nguyên và Môi trường đối với 7 tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn' của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

"Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Tài nguyên và Môi trường đối với 7 tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn" của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một doanh nghiệp trong danh sách 7 tổ chức thuộc diện bị kiểm tra đã thông tin với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Trải qua đến gần 6 tháng đơn vị gần như không thể hoạt động được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều nguyên nhân như công nhân về nghỉ lễ 30/4 – 1/5 ở các tỉnh miền xuôi không lên làm việc do quy định kiểm soát việc đi lại, lĩnh vực xây dựng nói chung bị đình trệ nên nhu cầu mua vật liệu giảm sâu… Tất cả các hoạt động sản xuất mang tính chất cầm chừng và chỉ khởi sắc hơn từ tháng 11 đến nay.

Đơn vị này đang cố gắng ổn định sản xuất, tìm kiếm thị trường để duy trì hoạt động, phần nào bù đắp thua lỗ vào thời gian nước rút cuối năm. Tuy nhiên việc nhận được văn bản kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường thời điểm này làm lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy rất lo lắng, mặc dù chỉ là kiểm tra thường xuyên, định kỳ nhưng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của đơn vị, vì mất thời gian ít nhất từ 7 đến hơn 10 ngày vào việc chuẩn bị tài liệu, tiếp đoàn kiểm tra…

Để làm rõ những nội dung liên quan, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng ký làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn từ ngày 2/12/2021. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa nhận được sự hợp tác.

Doanh nghiệp chưa hết 'khó thở' vì dịch Covid-19 lại phải lo lắng tiếp Đoàn thanh tra của của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Doanh nghiệp chưa hết "khó thở" vì dịch Covid-19 lại phải lo lắng tiếp Đoàn thanh tra của của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bắc Kạn

Ngày 9/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về việc “Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích là để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Tại phần IV, mục 1, điểm b, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương): Chỉ đạo việc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ngày 11/10/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành công văn số 6808 gửi các Sở, Ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.

Tại mục 2, công văn số 6808 của UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nêu rõ: Tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021; nghiên cứu tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Mục 2, công văn số 6808 nói rõ việc tạm dừng thanh tra, kiểm tra không cần thiết năm 2021. Ảnh: Tư liệu.

Mục 2, công văn số 6808 nói rõ việc tạm dừng thanh tra, kiểm tra không cần thiết năm 2021. Ảnh: Tư liệu.

Ngày 10/10/2021, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã có buổi gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ về việc, những năm qua các doanh nghiệp thường xuyên phải tiếp 5 – 6 cuộc thanh tra, kiểm tra/năm, thậm chí là trên 10 cuộc/năm của các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn và các địa phương. Ngay cả trong năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị đứng trên bờ vực phá sản, nhưng vẫn phải bố trí thời gian cả tháng để chuẩn bị tài liệu, tiếp đón, phục vục cho các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Sau khi nghe ý kiến từ các doanh nhân, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, thấu hiểu việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều đang gây phiền hà trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để chấm dứt vấn đề nói trên tại tỉnh Bắc Kạn, Bí thư Chinh đã có ý kiến việc các Sở, Ngành, địa phương không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ một cách tự phát của từng cơ quan nữa, mà giao cho Thanh tra tỉnh Bắc Kạn làm đầu mối để làm công tác tổ chức phối hợp.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (thứ 4 bên trái) tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp vào ngày 10/10 đã chỉ đạo giao Thanh tra tỉnh Bắc Kạn làm đầu mối sắp xếp để tránh việc một doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều đợt thanh tra, kiểm tra trong một năm. Ảnh: Tư liệu.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (thứ 4 bên trái) tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp vào ngày 10/10 đã chỉ đạo giao Thanh tra tỉnh Bắc Kạn làm đầu mối sắp xếp để tránh việc một doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều đợt thanh tra, kiểm tra trong một năm. Ảnh: Tư liệu.

Ngày 19/10, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành công văn số 342 thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình sau cuộc gặp mặt với doanh nghiệp vào ngày 10/10/2021, căn cứ vào các báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu và thảo luận, ý kiến đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã; ý kiến giải đáp của các Sở, ngành, địa phương; ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh.

Tại mục 4 của công văn 342 nêu rõ: Thanh tra tỉnh làm đầu mối theo dõi, tổng hợp việc thực hiện nội dung nêu ở mục 2 công văn số 6808 ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh (tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021; nghiên cứu tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát).

Như vậy có thể khẳng định, Quyết định số 587 “Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Tài nguyên và Môi trường đối với 7 tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn Hoàng Thanh Oai là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.

Danh sách các doanh nghiệp bao gồm:

1, Công ty TNHH SDTB - phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn: Kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường mỏ cát sỏi Bản Luông, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông.

2, Công ty TNHH Tiên Đản – thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn: Kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường mỏ cát sỏi Nà Ón, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn.

3, Công ty TNHH Kim Ngân – xã Bình Văn, huyện Chợ Mới: Kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường mỏ vàng Khau Âu, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới.

4, Công ty CP bê tông và vật liệu xây dựng An Bình – phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh: Kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường mỏ cát sỏi Nà Khon, xã Sơn Thành, huyện Na Rì.

5, Công ty TNHH Thắng Lợi – thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn: Kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường mỏ đá vôi Lũng Cà, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn.

6, Công ty TNHH MTV Phjabjooc – thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông: Kiểm tra về việc chấp hành pháp luật đất đai tại nhà máy sản xuất đá vôi phố Nà Hái, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông.

7, Công ty CP Sơn Ngọc Bắc Kạn – phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn: Kiểm tra về việc chấp hành pháp luật đất đai tại dự án Trường mầm non chất lượng cao Marie Curie.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.