| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 9] Người dành cả thanh xuân để dưỡng cây, nuôi đất và giữ cỏ

Thứ Ba 01/11/2022 , 06:49 (GMT+7)

Chúng tôi ngồi bệt ngay trên cỏ, dưới gốc bưởi mà chuyện trò, thỉnh thoảng lại vò vài ngọn cỏ đưa lên mũi hít hà, bóp vài cục đất để cảm nhận độ tơi xốp.

Bảo vệ lưỡi cày muôn thủa của nhà nông

Một cảm giác khoan thai, bình yên đến nhẹ bẫng ở trong lòng. Trang trại của anh Hoàng Quang Tuấn nằm giữa một vùng chuyển đổi rộng lớn của xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trước đây do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ nên cây trồng nhanh bị rạc, chất lượng quả thấp, chi phí sản xuất cao, khiến cho anh đã phải thay đổi cách suy nghĩ:

"Làm sạch cỏ bằng thuốc hóa học mới đầu trông thích mắt thật đất nhưng lại làm đất đai chai cứng. Đã 9 năm nay khi làm mô hình VAC tôi đã dưỡng cỏ, khi cỏ tốt thì cắt cho cá ăn. Trong thời gian cây dưỡng quả tôi không dám bón vôi để khử độ chua vì sợ con giun bên dưới đất chết. Con giun nó là lưỡi cày muôn thủa của nhà nông, có rất nhiều tác dụng, làm tốt đất, làm thoáng gốc cây nên mình phải bảo vệ.

Quan trọng nhất của việc trồng cây là giữ được bộ rễ. Nhìn lên ngọn cây tôi có thể biết được bộ rễ của chúng ở dưới đất như thế nào. Những cây bị trọc trên đỉnh thì ở dưới gốc bộ rễ cũng đang hỏng rồi. Bởi thế, khi trồng cây bưởi hay một số cây ăn quả phải nổi gốc, đánh nấm cao, đào rãnh sâu để nhanh thoát nước khi gặp mưa, tránh bị úng ngập…".

Empty

Vườn cây, ao cá đẹp như tranh của anh Hoàng Quang Tuấn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Trong khi nhiều nhà vườn trồng cây có múi trong và ngoài tỉnh đang điêu đứng vì bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh thì vườn của anh Tuấn vẫn tươi xanh lạ thường. Môi trường sinh thái đã thay đổi hoàn toàn từ hồi anh biết cách ủ phân chuồng để bón cho cây hay ngâm ủ cá thành dịch dinh dưỡng để tưới, giữ lại cỏ trên mặt đất, bảo vệ con giun ở dưới đất. Mùa nối mùa, chất lượng quả lại càng thêm thơm, thêm ngon, thêm ngọt.

Được ví như một “phù thủy” về nghề nông, anh Tuấn từng điều khiển cho cây nhãn trong vườn ra hoa vào giữa mùa hè để thu quả cuối tháng 12, bán giá gấp ba bình thường bằng kỹ nghệ chăm bón đặc biệt kết hợp với khoanh vỏ thân, cành. Hay mỗi m2 mặt nước trong ao anh thu được tới 6-7kg cá, con số mà nhiều nông dân khác dù có nằm mơ giữa ban ngày cũng không bao giờ dám nghĩ tới…

Cơ duyên đến với nghề nông bắt đầu từ năm 2006, khi đó anh vẫn là một đại lý cocacola có tiếng tỉnh Hưng Yên, sản phẩm phân phối đến nhiều huyện, thị. Đang kiếm sống một cách nhàn hạ, thế mà anh đột ngột bỏ, trở về quê để đầu tư làm trang trại khiến cho bao người trong nhà lẫn bạn bè quen biết phải ngạc nhiên.

Empty

Những cây bưởi luôn sai quả của anh Hoàng Quang Tuấn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lớn lên trong một gia đình bố mẹ đều làm nông, đông tới sáu người con, ai nấy đều bảo với anh rằng: “Mày đã đi buôn rồi về quê làm nông nghiệp làm gì? Đang chỗ quang không muốn lại chui quàng vào bụi rậm?”.

Ngay cả bản thân anh cũng thú thực với tôi rằng không thể giải thích được vì sao, chỉ đơn giản là thấy thích, thấy yêu nông nghiệp, nhất là sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, trở về từ cõi chết.

Những đám ruộng trũng nhiều vụ cấy lúa không thành, nông dân toàn được HTX miễn sản, thế mà anh dám thuê với giá 4 tạ thóc/sào/năm. Thậm chí có lúc anh phải bán vàng đi để liều lĩnh đấu thầu đất với giá 6,9 triệu/sào/8 năm, cộng trả thêm 1 tạ thóc/năm nữa. Nên nhớ, giá vàng lúc đó chỉ có 7,8 triệu đồng/cây.

Không bao giờ biết hối tiếc

Theo năm tháng, tổng diện tích đất anh Tuấn tích tụ đã lên tới 10 mẫu (3,5 ha) trở thành một đại điền với những ao cá, vườn cây được quy hoạch đẹp như một bức tranh: “Tôi đã rơi nước mắt ở mảnh đất này. Tôi đã chôn vùi 17 năm tuổi thanh xuân của mình ở mảnh đất này. Tôi đã đào đắp, kiến thiết để biến một vùng ruộng trũng thành trang trại trù phú như ngày hôm nay. Nào là kè 3 cái ao rộng 2,5 mẫu tốn mất tiền tỉ (mà đó là thời giá của 7 năm trước - PV). Nào là trồng 700-800 gốc bưởi, gốc nhãn với nhiều giống quý. Nào là mua thêm 3 mẫu của một trang trại kế bên đã bỏ hoang 8 năm với giá 1 tỉ dù thời hạn thuê đất chỉ còn có 4 năm.

Empty

Nhờ bảo vệ cỏ, giun nên đất luôn ẩm và thông thoáng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thuê đất, thuế sản đương nhiên là phải đóng rồi, tôi chỉ kiến nghị có một điều là thời gian thầu nên để trên 20 năm. Trước đây, xã cho thầu đất với thời hạn 15 năm, giờ chỉ còn 5 năm ký hợp đồng một lần, thời gian ngắn như thế đầu tư cái gì cũng sợ. Bao tiền của, công sức tôi đã đổ xuống đây mà nếu thay đổi một tí trong chính sách thôi, không được thầu nữa chẳng hạn thì sẽ mất tất cả và không thể làm lại cuộc đời được nữa. Giờ trên đầu tôi đã hai thứ tóc rồi!

Bài liên quan

Xã hội cần nông sản chất lượng tốt và an toàn nhưng bởi cái ngưỡng thuê đất có 5 năm nên đa số các chủ trang trại không dám đầu tư gì nhiều, như tôi xây chuồng hay kè bờ ao đều phải làm liều hết. 5 năm thầu thì trồng cây bưởi 4 năm mới cho bói, để quả ăn ngon phải từ tuổi thứ 8 trở lên. Nó sẽ là bất công chứ không phải bất cập nữa nếu cứ hợp đồng thuê đất có thời hạn chỉ 5 năm, sau đó chủ trang trại phải dọn dẹp mọi thứ để trả lại mặt bằng cho chủ mới nếu như không đấu thầu tiếp được nữa.

Khu dồn điền đổi thửa, chuyển đổi Đại Linh của xã Đại Hưng này có khoảng 40 hộ, ai nấy đều tâm tư như thế cả. Trong khi đó doanh nghiệp được thuê đất 50 năm, được đào đắp, xây dựng tùy ý. Tôi thấy nhà nước đang ưu tiên cho công nghiệp nhưng lại không đầu tư mấy cho nông nghiệp, cho thứ đang nuôi sống cả trăm triệu con người. Giai đoạn này mà không có cuộc cách mạng trong chính sách đất đai thì không thể đảm bảo được chất lượng, độ an toàn cho nông sản, không giúp cho nông sản Việt Nam có tính cạnh tranh trên thị trường.

Đã thế có đất đấy nhưng chúng tôi không có quyền thế chấp để vay ngân hàng hay vay quỹ tín dụng dù chỉ là một đồng, toàn phải “cắm” sổ đỏ đất thổ cư của nhà. Nhưng đã trót theo nông nghiệp nửa đời người rồi thì tôi phải theo tiếp đến cùng, dù thời hạn cho thuê đất giờ chỉ còn 5 năm, dù làm nông nghiệp rất bấp bênh về dịch bệnh, về giá cả.

Empty

Bàn tay chai sạn của anh Hoàng Quang Tuấn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đầu vào hiện đang to hơn đầu ra. Chỉ trong có 2 năm mỗi bao cám từ 280.000đ giờ lên 450.000đ nhưng giá cá thì tụt xuống, chép, trắm loại to chỉ có 38.000đ/kg, mè chỉ có 5.000-7.000đ/kg, rẻ đến nỗi thu xong có khi lại đổ vào thùng phuy ngâm để làm dịch tưới cho bưởi, nhãn. Khoảng 70% hộ nuôi cá đã phải bỏ chạy… tụt cả quần, còn tôi vẫn duy trì được nhờ không chỉ cho ăn bằng cám công nghiệp mà còn bổ sung thêm nhiều thức ăn xanh, tạm gọi là hòa vốn dù doanh thu tới 3 tỉ/năm. Chỉ trong có 2 năm mà mỗi bao phân bón tăng gần gấp đôi, trong khi giá nhãn năm nay thì 5.000 - 6.000đ/kg, giá bưởi cũng rất hạ nên trồng trọt cũng không ăn thua là mấy.

Bao tiền của, công sức tôi đã đổ xuống trang trại này nhưng đã là số phận rồi, mình đành phải chịu. Làm nông vất vả là thế tuy nhiên được cái tối về lại ngủ ngon. Đằng nào cũng chết, được làm cái mình thích, có ích cho xã hội, hoàn toàn tôi không hề thấy hối tiếc”...

Anh Tuấn trải lòng với tôi trong một chiều vàng vọt nắng. Những ánh nắng xiên khoai qua tàng cây, kẽ lá, rung rinh như đang nhảy múa, nói cười. Dường như trong mắt anh cũng lóe lên những tia nắng rất đặc biệt.  

“Tích tụ đất đai đủ lớn không chỉ giúp gia tăng sản lượng mà còn cả chất lượng của nông sản. Ví dụ, muốn làm bưởi sạch phải bao quả, phải có nhà kho giữ quả, chi phí cao mà đầu tư thì cứ 5 năm lại ký hợp đồng thuê đất một lần, chúng tôi sợ chưa khấu hao xong đã hết hạn rồi. Vướng mắc này không phải của riêng tỉnh Hưng Yên mà của chung cả miền Bắc”, anh Hoàng Quang Tuấn.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.