| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi từ cây keo qua trồng tre sinh khối

Thứ Bảy 08/10/2022 , 12:44 (GMT+7)

Tre sinh khối không chỉ mang lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần cây keo mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, hạn chế rủi ro trước biến đổi khí hậu.

Thay thế dần những rừng keo kém hiệu quả

Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có diện tích trồng keo lớn ở khu vực miền Trung. Hiện nay, diện tích cây keo trên địa bàn tỉnh này khoảng trên 225.000ha, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ… Những năm qua, cây keo đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương, giúp xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình trồng tre sinh khối ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã bắt đầu cho những tín hiệu khả quan. Ảnh: BB.

Mô hình trồng tre sinh khối ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã bắt đầu cho những tín hiệu khả quan. Ảnh: BB.

Tuy nhiên, ngày nay, khi điều kiện khí hậu ngày càng có sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, việc canh tác cây keo của người dân cũng chịu tác động rất lớn. Đặc biệt, Quảng Ngãi lại nằm ở khu vực duyên hải miền Trung, mỗi năm thường có 3 đến 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến nhiều diện tích keo bị thiệt hại, người trồng lâm vào cảnh thua lỗ. Đó là chưa kể đến việc giá cả cây keo thường xuyên biến động dẫn đến thu nhập của người dân cũng hết sức bấp bênh.

Gần đây nhất là vào năm 2020, cơn bão số 9 đã khiến gần 100.000ha rừng keo ở Quảng Ngãi bị ngã đổ. Trong số diện tích rừng bị thiệt hại có 45.000ha có thể tận thu và khoảng 30% ha cây keo từ 2- 4 năm tuổi bị mất trắng. Hàng ngàn hộ nông dân mưu sinh từ nghề trồng keo lao đao vì bao nhiêu công sức, tiền bạc đầu tư đều “đổ sông đổ biển”.

Trước thực tế này, việc tìm ra những loại cây trồng thích hợp để chuyển đổi vừa có giá trị kinh tế cao, vừa hạn chế thấp nhất những rủi ro do thiên tai là rất cần thiết. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của Cty CP Tre sinh thái EcoBambu (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Ấp ủ khát vọng phủ xanh đất trống đồi trọc bằng màu xanh của cây tre; hướng tới phát triển hệ sinh thái đa năng từ vùng trồng đến nhà máy hiện đại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ vật liệu tre, Cty này đã xây dựng chương trình phát triển chuỗi giá trị kinh tế - phục hồi hệ sinh thái rừng từ cây tre.

Theo anh Lâm Tấn Tài, Giám đốc Cty CP Tre sinh thái EcoBambu, trên thế giới hiện nay có khoảng 1.400 loài tre thuộc 90 giống phân bổ ở nhiều nước với diện tích hơn 22 triệu ha. Theo ước tính, có đến hơn 300 dòng sản phẩm được sản xuất từ cây tre. Trong vòng 20 năm qua, tổng giá trị mậu dịch hàng năm của loại cây này đạt từ 1,7 đến 2,5 tỷ USD.

Mặc dù vậy, số giống tre sinh khối để lấy gỗ lại tương đối khiêm tốn, chỉ tính được ở trên đầu ngón tay. Tại Việt Nam, hiện có diện tích trồng tre lên đến 1,6 triệu ha (chiếm khoảng 11% diện tích rừng cả nước, diện tích rừng trồng chiếm khoảng 5%) nhưng các giống tre ở nước ta lại không đáp ứng được tiêu chuẩn để lấy gỗ phục vụ xuất khẩu.

Qua quá trình khảo sát, đại diện Cty CP Tre sinh thái EcoBambu cho biết, điều kiện khí hậu, đất đai ở Việt Nam rất thích hợp với các giống tre sinh khối, trong đó có giống tre tên khoa học là Dendrocalamus Asper “Hitung” (gọi tắt là tre Hitung). Từ nguồn giống thuần chủng được lấy từ các trại giống ở Thái Lan, Cty đã tiến hành trồng thử nghiệm ở một số địa phương như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Kết quả cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt không kém gì các vườn cây ở vùng bản địa.

Giống tre Hitung là giống tre lấy gỗ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: BB.

Giống tre Hitung là giống tre lấy gỗ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: BB.

Đây chính là cơ sở để Cty mở rộng vùng trồng tre ra các địa phương khác trên cả nước. Trong đó các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng rất có lợi thế. Bởi diện tích rừng sản xuất ở khu vực này tương đối lớn. So với cây keo – loại cây được trồng phổ biến ở những diện tích rừng sản xuất hiện nay thì cây tre sinh khối không những mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần có những ưu điểm khác.

Đa giá trị từ rừng tre sinh khối

Anh Lâm Tấn Tài, Giám đốc Cty CP Tre sinh thái EcoBambu cho biết, thời điểm hiện tại, giá trị đầu tư cho 1ha trồng tre Hitung khoảng 80 triệu đồng (bao gồm cả tiền giống, công chăm sóc, phân bón). Tính theo chu kỳ ngắn nhất là 20 năm, cây tre liên tục tái sinh, không cần phải trồng lại, 15 năm liên tục đều có sản phẩm khai thác, lợi nhuận mang lại cho người dân đến trên 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, cũng với thời gian này và diện tích này, cây keo sẽ mất đến 4 lần đầu tư giống với chi phí khoảng 70 triệu đồng. Lợi nhuận thu được chỉ hơn 500 triệu đồng. “Đó là chưa kể đến khi trồng tre sinh khối, những năm đầu tiên người dân có thể xen canh các loại cây màu nhằm lấy ngắn nuôi dài. Đến năm thứ 3 còn có thể thu măng để bán thương phẩm. Từ năm này, mỗi năm khoản thu từ măng ít nhất là 36 triệu đồng”, anh Tài nói.

Cũng theo anh Tài, ngoài giá trị về kinh tế mang lại, cây tre còn có nhiều ưu điểm trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, tre hấp thụ CO2 gấp 4 lần và giải phóng oxi vào khí quyển nhiều hơn 35% so với các cây gỗ tương đương, giúp cải thiện chất lượng không khí tiểu khí hậu.

Tre Hitung được trồng ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cho thấy sự thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam. Ảnh: BB.

Tre Hitung được trồng ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cho thấy sự thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam. Ảnh: BB.

Bên cạnh đó, với chu kỳ kéo dài lên đến hàng chục năm, hệ thống bộ rễ khỏe, bám chặt vào đất và trải rộng trên diện tích đất lớn, cây tre sẽ giữ được đất tránh sạt lở khi gặp lũ lụt và tạo thành một hàng rào chắn làm giảm cường độ của gió bão. Khi bị gãy đổ do gió lớn, cây có thể tái sinh trở lại rất nhanh mà không cần trồng mới. Khác với cây keo, sau chu kỳ 5 – 7 năm khai thác sẽ có 1 khoảng thời gian trở thành đất trống, đồi trọc, đất sẽ dễ bị xói mòn, rửa trôi.

Giống tre Hitung mà Cty CP Tre sinh thái EcoBambu lựa chọn là giống có kích thước lớn, đường kính ở giai đoạn trưởng thành đạt từ 15 – 30cm, với chiều cao khoảng 15 - 30m, thân dày từ 2,5 – 3cm. Gỗ cây được đánh giá có chất lượng cao, gần như các bộ phận của cây được sử dụng để làm ra các sản phẩm trong nhiều lĩnh vực từ thủ công mỹ nghệ, công nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…

Hiện nay, sản phẩm gỗ tre rất được thị trường thế giới ưa chuộng nhưng nguồn nguyên liệu lại không đủ cung cấp. Do đó, đại diện Cty CP Tre sinh thái EcoBambu khẳng định, đầu ra của các sản phẩm tre sinh khối rất ổn định. “Giá thu mua của tre sinh khối Hitung hiện khoảng 165.000 đồng/cây. Một điều cần phải nói thêm nữa là cây tre có sức sống khỏe, rất ít bị sâu bệnh gây hại”, anh Tài nói.

Được biết, tại Quảng Ngãi, Cty CP Tre sinh thái EcoBambu đã xây dựng được 10ha vùng nguyên liệu trồng tre lấy gỗ ở thị xã Đức Phổ. Diện tích này đã được 9 tháng tuổi và đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh. Sắp tới, Cty này dự kiến sẽ liên kết với khoảng 30 hợp tác xã ở những huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi để mở rộng diện tích cũng như chuyển đổi dần những diện tích trồng keo kém hiệu quả qua trồng tre sinh khối.

“Quan điểm của công ty là xây dựng các mô hình ở các hợp tác xã. Khi bà con nhận thấy được hiệu quả của cây tre sinh khối, họ sẽ thực hiện theo. Mục tiêu hướng tới, đến năm 2025, tại tỉnh Quảng Ngãi sẽ có khoảng 2.000ha trồng tre lấy gỗ, phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Những năm tiếp theo, từng bước mở rộng ra nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng như các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Bình Định. Khi đã có vùng nguyên liệu lớn sẽ đáp ứng đủ điều kiện để đặt nhà máy chế biến ở khu vực miền Trung. Từ đó, giúp cho người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng”, Anh Lâm Tấn Tài, Giám đốc Cty CP Tre sinh thái EcoBambu cho hay.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.