| Hotline: 0983.970.780

Dự án 'đắp chiếu' nhiều năm khiến người dân huyện Quan Hóa gặp khó khăn

Thứ Ba 15/02/2022 , 12:14 (GMT+7)

Dự án cầu cứng dân sinh nằm trên giấy từ nhiều năm nay, người dân 6 bản thuộc xã Phú Xuân nằm bên bờ hữu sông Mã phải qua sông bằng đò.

Chờ sông cạn để vận chuyển luồng đi bán

Chiếc cầu dân sinh bị trận lũ năm 2018 tàn phá. Ảnh: VD.

Chiếc cầu dân sinh bị trận lũ năm 2018 tàn phá. Ảnh: VD.

Bài liên quan

Dọc dòng sông Mã, tính từ trung tâm xã Phú Xuân lên xã Trung Sơn (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chỉ khoảng 60 km nhưng hiện có tới 2 nhà máy thủy điện đang hoạt động; một nhà máy thủy điện thi công dang dở, hết vốn từ nhiều năm nay nên đang “đắp chiếu”. Xã Phú Xuân nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Hồi Xuân (đang xây dựng dở), thời điểm nước sông lên cao, việc qua sông bằng đò nguy hiểm và bất tiện. Hàng trăm hộ dân di dời tái định cư để xây dựng các nhà máy thủy điện hiện nay đang rơi vào tình cảnh khó khăn.

Sau trận lũ năm 2018, chiếc cầu treo dân sinh bắc qua sông Mã thuộc xã Phú Xuân, bị cuốn trôi. Từ thời điểm đó, người dân 6 bản gồm bản Phé, Bá, Mí, Vui, Sa Lắng và Giá phải qua sông bằng đò. Đây đều là những bản nghèo với 4/6 bản thuộc vùng 135. Ruộng đất sản xuất ít, địa hình đồi núi nên người dân ở đây chủ yếu phát triển cây luồng, nhu cầu vận chuyển qua sông bán cho các tư thương rất cao. Do không có cầu cứng, người dân ở đây phải chờ thời điểm nước sông cạn mới dùng ô tô chuyển qua QL 15 để bán. Có hộ vì nóng ruột phải dùng thuyền nhỏ đưa luồng qua sông tập kết nhưng mỗi chuyến cũng chỉ được vài chục cây. Chi phí vận chuyển lớn khiến hiệu quả kinh tế từ cây luồng bị giảm xuống.

Ông Hà Văn Tuấn, trưởng bản Phé cho biết, đa phần dân trong bản là đồng bào dân tộc Thái, Mường, đời sống kinh tế thấp, tiếp cận với các dịch vụ xã hội hạn chế. Việc vận chuyển khó khăn khiến hiệu quả kinh tế từ cây luồng giảm từ 25-30%.

“Bên kia QL 15 thuận tiện cho vận chuyển luồng nên cuộc sống đỡ hơn. Còn dân bản chúng tôi ở bên này sông việc vận chuyển khó khăn nên nhiều năm nay bà con không đầu tư nhiều cho cây luồng, kinh tế dân bản kém lắm!” – ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, do nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Hồi Xuân, phía trên là các nhà máy thủy điện Thành Sơn, Trung Sơn nên việc đi lại, vận chuyển luồng của người dân bị động. Có thời điểm nước sông cạn, ô tô có thể vượt qua sông nhưng việc xả nước vận hành thủy điện nhiều thời điểm diễn ra bất thường khiến việc vận chuyển luồng qua sông gặp nhiều trắc trở”.

Người dân xã Phú Xuân ở phía bờ hữu sông Mã phải chờ lúc nước sông cạn mới vận chuyển được luồng qua sông để bán. Ảnh: VD.

Người dân xã Phú Xuân ở phía bờ hữu sông Mã phải chờ lúc nước sông cạn mới vận chuyển được luồng qua sông để bán. Ảnh: VD.

Theo ghi nhận của PVNNVN, vào cuối buổi chiều một ngày đầu năm mới Nhâm Dần, nhiều chiếc xe chất đầy luồng vẫn nằm chờ ở bến đò bản Phé để qua sông. Tuy nhiên, thời điểm này nước sông khá lớn nên nhiều lái xe lắc đầu ngán ngẩm không biết phải chờ đến bao giờ.

“Do khó khăn về nhiều mặt, địa hình cách trở, người lao động tự do ở đây thu nhập rất thấp. Nhiều lao động phải bỏ quê hương đi làm ăn xa. Ở đây, kinh tế hầu như không có gì nổi trội, chỉ mỗi cây luồng có thể giúp dân thoát nghèo. Vì vậy, dân bản rất muốn có một cây cầu cứng để thuận tiện đi lại và vận chuyển luồng đi bán” – bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho hay.

Hàng trăm học sinh phải qua đò đi học

Trong mưa bụi chiều đầu năm, chiếc đò tròng trành đưa chúng tôi và các em học sinh về phía bờ tả sông Mã, nơi có 6 bản và 2 nghìn người dân xã Phú Xuân đang sinh sống. Người lái đò cho biết, những hôm trời mưa to, nước lớn, việc đi lại của người dân và học sinh rất nguy hiểm. Mặc dù trên đò được trang bị phao cứu sinh nhưng đây là đoạn sông chảy xiết, có nhiều dòng xoáy nên người ngồi trên đò luôn có cảm giác bất an.

Chiếc cầu cứng theo cam kết buộc hoàn trả của Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân triển khai dang dở thì 'đắp chiếu'. Ảnh: VD.

Chiếc cầu cứng theo cam kết buộc hoàn trả của Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân triển khai dang dở thì "đắp chiếu". Ảnh: VD.

Chạm bờ hữu, người lái đò chỉ xa xa về phía cánh rừng luồng than thở: “Luồng nhiều vô kể nhưng bán có được mấy đồng đâu. Chi phí vận chuyển lớn quá khiến một cây luồng tính ra chỉ còn mấy nghìn đồng. Cứ như thế này thì dân còn nghèo mãi!”

Nghe tiếng gọi đò bên kia sông, người lái đò tạm biệt chúng tôi để quay mũi đò sang sông đón khách.

Bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, người dân 6 bản bờ hữu sông Mã không chỉ khó khăn trong phát triển kinh tế do không có cầu cứng mà việc đi lại, học hành của con em cũng hết sức khó khăn và hiểm nguy luôn rình rập.

Theo thống kê của bà Tuyết, 6 bản bờ hữu sông Mã có khoảng 200 học sinh phải sang sông bằng đò để đến trường. Mùa mưa lũ đến cả người dân và chính quyền đều nơm nớp lo sợ. Sáu bản bên kia sông có khoảng 2 nghìn nhân khẩu và khoảng 200 học sinh cấp 2, cấp 3 phải qua sông bằng đò đi học hằng ngày. Hiện nay, việc lái đò do một người dân đảm nhận và chính quyền phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người dân và các cháu học sinh qua sông nhưng vẫn luôn luôn có cảm giác lo lắng, bất an.

Cũng theo bà Tuyết, cầu cứng bắc qua sông Mã thuộc cam kết buộc hoàn trả của Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân nhưng 4 năm qua chủ đầu tư hết kinh phí nên sau khi xây dựng được 2 mố cầu thì dừng lại không làm tiếp. Để triển khai xây dựng Nhà máy thủy điện Hồi Xuân, gần 350 hộ dân trong xã đã di dời tái định cư nhưng đến nay chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hồi Xuân chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với người dân khiến cuộc sống của người dân tái định cư hết sức khó khăn. Chính quyền các cấp tại huyện Quan Hóa cũng đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hồi Xuân xây dựng cầu cứng đúng tiến độ cam kết nhưng hiện nay dự án vẫn bất động.

Một người dân vùng tái định cư Nhà máy thủy điện Hồi Xuân bức xúc vì chủ đầu tư thất hứa: “Ngày xưa chúng tôi ở bản cũ, việc đi lại thuận tiện nhưng hiện nay, muốn sang ủy ban xã phải chạy xe máy mấy Km mới đến bến đò bản Phé. Việc đi lại vừa bất tiện vừa tốn kém lại nguy hiểm. Cầu cũ đã bị cuốn trôi mấy năm nay rồi mà cầu mới vẫn chưa có. Con em trong bản đi học hàng ngày phải qua sông rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ nhưng cũng không biết làm thế nào”.

Hiểm nguy luôn rình rập những chuyến đò ngang bản Phé. Ảnh: VD.

Hiểm nguy luôn rình rập những chuyến đò ngang bản Phé. Ảnh: VD.

Theo ghi nhận của PV NNVN, việc xây dựng cầu cứng qua sông Mã đoạn qua xã Phú Xuân hiện đã làm xong mố cầu hai bên bờ sông. Tuy nhiên, sau khi hai mố cầu hoàn thành thì dự án không tiếp tục triển khai, sắt thép, vật liệu hiện được tập kết bên bờ tả sông Mã đã hoen gỉ.

“Chúng tôi mong chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hồi Xuân thực hiện đúng cam kết xây dựng cầu cứng cho người dân. Không có cầu thì cuộc sống người dân Phú Xuân sẽ còn khó khăn lắm” – bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân kiến nghị.

    Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.