| Hotline: 0983.970.780

Thu hồi nhà dân xây công sở sao không cấp đất tái định cư?

Thứ Hai 17/04/2023 , 08:43 (GMT+7)

HẬU GIANG Thị xã Long Mỹ thu hồi đất xây trụ sở công an ngoài quy hoạch Khu hành chính công và không bố trí quỹ đất tái định cư. Dân biết ở đâu?

Không biết đi đâu, về đâu?

Hơn chục hộ dân (ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) bị thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng cơ sở làm việc Công an thị xã Long Mỹ, đang rất hoang mang không biết số phận sẽ ra sao, rồi đi đâu, về đâu khi nhà và đất sẽ bị cưỡng chế thu hồi nhưng lại chưa có nơi tái định cư.

Các hộ dân đang thảo luận về quyết định thu hồi đất của UBND thị xã Long Mỹ và cho rằng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng, còn gây nhiều bức xúc khiến người dân không đồng thuận. Ảnh: Trung Chánh.

Các hộ dân đang thảo luận về quyết định thu hồi đất của UBND thị xã Long Mỹ và cho rằng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng, còn gây nhiều bức xúc khiến người dân không đồng thuận. Ảnh: Trung Chánh.

Hộ ông Lê Xuân Kiềm (SN 1944) - bà Nguyễn Thị Diên và mấy người con đều bị ảnh hưởng từ dự án này. Năm 1976, ông Kiềm là cán bộ Công ty Xây lắp Điện lực Hải Dương, được tăng cường vào Nam, nhận nhiệm vụ tại Phòng Thủy lợi Long Mỹ (thuộc tỉnh Cần Thơ). Đến năm 1985 thì ông Kiềm đưa vợ và các con vào đây cùng sinh sống.

Theo anh Lộc, gia đình có 2 vợ chồng và 2 người con, bị thu hồi 105 m2 đất thổ cư, có căn nhà xây trên đó và 158 m2 đất vườn trồng cây lâu năm, công trình phụ… mà chỉ được bồi thường có 528 triệu đồng. Với số tiền này giờ đi mua nền nhà 100 m2 trong nội ô thị xã Long Mỹ còn không đủ, thì lấy gì để mà xây nhà ở. Vậy nếu đồng ý nhận tiền, giao đất hoặc không nhận thì bị cưỡng chế thu hồi đất, người dân chúng tôi biết dắt díu nhau đi đâu, về đâu khi nhà đã mất?

Những năm tham gia Tập đoàn sản xuất, với chính sách nhường cơm sẻ áo, ông Kiềm làm đơn xin cấp đất và được cấp 1.300 m2 (thuộc khu vực 6, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ hiện nay). Ông Kiềm nhớ lại: “Hồi đó đây là đất ruộng, mặt bằng trũng thấp, phải tốn rất nhiều công lao động và chi phí mới tôn tạo thành nền cao ráo như hiện nay”.

Trên diện tích này, đã có 300 m2 được cấp giấy chứng nhận là đất ở đô thị, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Ông Kiềm xây nhà ở và khi các con khôn lớn, lập gia đình ra riêng đều được chia một phần đất để cất nhà. Điều đặc biệt là cả 5 người con của ông Kiệt đều học và theo nghề giáo, giảng dạy tại địa phương nên sống quây quần kế bên cha, mẹ. 

Tổng diện tích đất gia đình ông Kiềm – bà Diên bị thu hồi là 1.050 m2, phần đất đã chia cho các người con bị thu hồi trắng, còn nhà của ông thì bị dính vào khoảng 1 m chạy dọc từ trước ra sau. Anh Lê Xuân Lộc (SN 1974, con trai lớn ông Kiềm) cho biết, nhà nước cần thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan, các dịch vụ công ích, người dân chúng tôi sẵn sàng giao đất với điều kiện bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng và phải tái định cư nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ. Trong khi dự án thu hồi đất đến giờ không nghe nói là có hỗ trợ tái định cư hay không?

Anh Lộc bức xúc: “UBND thị xã Long Mỹ thu hồi đất năm 2023 nhưng căn cứ  quyết định của những năm trước, áp dụng bảng giá đất cũ nên không hợp lý, giá quá thấp không phù hợp với giá thị trường hiện nay. Hơn nữa, đất của các hộ dân ở đây xưa nay đều đi ra đường Cách Mạnh Tháng Tám, nằm trong nội ô thị xã nhưng khi thu hồi lại tính từ Quốc lộ 61B vào (là tuyến tránh trung tâm thị xã Long Mỹ, mới được mở sau này) nên rất xa so với mặt tiền đường lộ. Việc áp giá bồi thường chưa đúng vị trí đã gây ra nhiều bức xúc, làm thiệt thòi quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng”.

Xây công sở nằm ngoài quy hoạch Khu hành chính công?

Bà Phạm Thị Trinh, năm nay đã 81 tuổi, cùng chồng là ông Đinh Quang Thọ đang lo ngay ngáy không biết khi nào chính quyền thị xã Long Mỹ thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Theo quyết định đã được gửi đến gia đình bà thì thời gian cưỡng chế là từ ngày 3/4-29/12/2023.

Bà Phạm Thị Trinh (ngoài cùng, bên phải) bảo: “Tôi già rồi, chẳng chống đối nhà nước làm gì,

Bà Phạm Thị Trinh (ngoài cùng, bên phải) bảo: “Tôi già rồi, chẳng chống đối nhà nước làm gì nhưng do giá bồi thường thấp, gia đình tôi còn bị cắt mất 115 triệu đồng là tiền hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm nên chưa đồng thuận. Ảnh: Trung Chánh.

Tổng diện tích đất vợ chồng bà Trinh bị thu hồi lần này lên đến hơn 1.539 m2, gồm 1 công vườn và hơn 500 m2 ruộng lúa. Bà Trinh bảo: “Tôi già rồi, chẳng chống đối nhà nước làm gì. Trong các cuộc họp, tôi đã kiến nghị là giá bồi thường quá thấp, chưa bằng 1/2 giá thị trường, cần được điều chỉnh tăng lên cho phù hợp. Hơn nữa, việc kiểm đếm số cây trong vườn chưa đúng, bị thiếu rất nhiều, thế nhưng ghi ý kiến rồi mà chẳng thấy ai đến làm lại”.

Không chỉ giá bồi thường thấp, bà Trinh còn bức xúc về việc bất nhất của chính quyền trong việc thực hiện phí bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Cụ thể, trong bảng tính chi tiết kinh phí bồi thường, hỗ trợ gửi cho gia đình bà ban đầu có trên 115 triệu đồng là tiền hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Thế nhưng khi triển khai thực hiện thì lại cắt mất số tiền này, mà không rõ vì lý do gì?

Anh Lê Xuân Lộc bên căn nhà sắp bị cưỡng chế, trong khi không được hỗ trợ tái định cư, tiền bồi thường lại quá thấp không đủ mua lại nền nhà nên không biết sẽ phải đi đâu, về đâu. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Lê Xuân Lộc bên căn nhà sắp bị cưỡng chế, trong khi không được hỗ trợ tái định cư, tiền bồi thường lại quá thấp không đủ mua lại nền nhà nên không biết sẽ phải đi đâu, về đâu. Ảnh: Trung Chánh.

Một trường hợp khác là hộ ông Lê Minh Thuấn, bị thu hồi hơn 300 m2 đất. Ông Thuấn bức xúc cho rằng: “Đất tôi liền một thửa có mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, nhưng tính giá bồi thường giống như đất phía trong hậu của đất quay mặt ra Quốc lộ 61B. Do đó, áp giá bồi thường chỉ có 257 ngàn/m2. Khi tôi không chấp nhận thì được tính lại là đất hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, với giá bồi thường là 500 ngàn đồng/m2. Sau đó, có người trong ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện đến xin rút lại bảng giá này. Cách làm việc tiền hậu bất nhất, nay vầy mai khác, áp giá kiểu tùy thích, khiến người dân mất miền tin”.

Trước đây, UBND thị xã Long Mỹ đã lập Đồ án quy hoạch Khu hành chính công cộng, gom chung các cơ quan quản lý nhà nước lại. Đây là cách làm khoa học, “Thuận ý Đảng, hợp lòng dân”, để từng bước hoàn chỉnh cấu trúc đô thị theo định hướng quy hoạch chung, đồng thời quản lý đất đai, phát triển cảnh quan và khai thác hiệu quả qũy đất đô thị. Thế nhưng không hiểu sao khi trển khai xây dựng thì một số đơn vị lại nằm rải rác thiếu tập trung.

Các hộ dân bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu gom chung các cơ quan nhà nước lại thành một khu chung như Đồ án đã được quy hoạch. Khi thu hồi đất thì thu luôn một lượt toàn Khu hành chính công cộng, không thu lẻ tẻ, nay đơn vị này, xong mai mốt lại tới đơn vị khác, áp giá bồi thường không thống nhất khiến người dân bức xúc.

Việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng cơ sở làm việc Công an thị xã Long Mỹ phải đúng ranh mốc theo đồ án quy hoạch chi tiết Khu hành chính công cộng đã được triển khai đến dân. Trong đó, cần xem xét lại phần đất dự phòng quá nhiều, trong khi người dân còn thiếu đất ở, đất sản xuất, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

“Trong biên bản họp dân ngày 10/3/2023 có ghi: “Trong trường hợp không thống nhất với quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì được quyền khiếu nại đến UBND cấp huyện trong thời gian 90 ngày hoặc khởi kiện ra tòa theo quy định”. Tuy nhiên, Quyết định số 4191/QĐ-UBND của UBND thị xã Long Mỹ ký từ ngày 16/12/2022 nhưng mãi đến ngày 10/3/2023 mới triển khai ra dân, khi người dân muốn khiếu nại thì đã hết thời hạn 90 ngày, làm vậy khác gì ép dân vào sự việc đã rồi”, đại diện các hộ dân nêu bức xúc.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm