| Hotline: 0983.970.780

Sức khỏe đất, thực tiễn và hành động

Phục hồi chất lượng đất Tây Nguyên

Thứ Sáu 20/11/2020 , 10:16 (GMT+7)

Trước tình trạng đất Tây Nguyên bị thoái hóa, xói mòn nghiêm trọng, việc phục hồi đất cũng như có biện pháp chống xói mòn là nhiệm vụ hết sức cần thiết.

PGS.TS Trình Công Tư, Phó Giám đốc   Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón   và Môi trường Tây Nguyên.

PGS.TS Trình Công Tư, Phó Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón
và Môi trường Tây Nguyên.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn PGS.TS Trình Công Tư, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên, thuộc Viện Nông hóa Thổ nhưỡng về những giải pháp để phục hồi và chống xói mòn đất Tây Nguyên.

Là vùng có điều kiện đất đai phì nhiêu bậc nhất nước ta, xin ông cho biết đất đai Tây Nguyên có những điểm gì khác biệt?

Khái niệm đất đai khá rộng, ở đây chỉ bàn đến đất, tức đất trồng hay đất canh tác.

Như chúng ta biết, vùng Tây Nguyên nổi tiếng với những dải đất đỏ bazan, thích hợp cho nhiều loại cây trồng từ ngắn ngày như ngô, sắn, mía, khoai lang…  cho đến cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, ca cao... hay cây ăn quả như sầu riêng, bơ, chuối, cây có múi.

Nói cách khác, đất bazan phù hợp với nhiều đối tượng cây trồng nhờ có độ phì nhiêu cao. Điểm nổi bật là tầng canh tác dày, có nơi lên đến hàng chục mét. Các đặc trưng vật lý khá lý tưởng cho sự phát triển của hệ thống rễ cây như dung trọng bé, độ tơi xốp cao, các hạt đất tạo kết cấu tốt và khá bền trong môi trường ngập nước, khả năng thấm và thoát nước tốt.

Mặc dù đất đai phì nhiêu nhưng những năm qua người dân đã thâm canh quá mức nhằm tăng năng suất cây trồng, thực trạng này ra sao và dẫn đến hậu quả như thế nào thưa ông?

Nói đến Tây Nguyên, người ta thường hình dung đó là những cao nguyên bazan màu mỡ, song trên thực tế, đất bazan chiếm chưa đến 1/3 diện tích trong khoảng 5,5 triệu ha của toàn vùng. Phần còn lại gồm đất xám và các loại đất khác có độ phì nhiêu không cao.

Ngay cả với đất bazan vốn được cho là tốt với cây trồng, cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế như độ pH thấp, quá trình cố định dinh dưỡng xảy ra mạnh, nghèo các cation kiềm, kiềm thổ, dung tích hấp thu thấp, độ ẩm cây héo khá cao, địa hình dốc nên thường xảy ra quá trình xói mòn bề mặt do mưa…

Trong điều kiện đó, để đạt mục tiêu năng suất cao, nông dân đã không ngần ngại đầu tư một lượng lớn hóa chất nông nghiệp lên đồng ruộng.

Ví dụ, để đạt 3-4 tấn sản phẩm cà phê hay hồ tiêu, người ta thường bón 2-3 tấn phân khoáng NPK, 30-40 kg phân vi lượng… Ngoài ra để phòng trừ sâu, bệnh và cỏ dại, hàng chục kg hóa chất bảo vệ thực vật đã được rải trên mỗi hecta hàng năm.

Hậu quả là nền đất vốn dĩ đã chua càng thêm chua; hàm lượng chất hữu cơ và các yếu tố dinh dưỡng khoáng bị sụt giảm. Đất mất dần kết cấu và trở nên chai cứng hơn, khả năng giữ nước, giữ phân kém. Các kim loại nặng và dư lượng thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc cỏ có xu hướng tích lũy. Môi sinh bị hủy hoại, động vật và vi sinh vật có lợi trong đất suy giảm nghiêm trọng…

Các loại đất chính ở Tây Nguyên.

Các loại đất chính ở Tây Nguyên.

Những tác động khôn lường đó đã gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của thực vật nói chung, cây trồng nói riêng, làm cho năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế giảm dần theo thời gian, nhiều trường hợp chỉ mang lại hiệu quả âm, sức sản xuất của đất bị lụi tàn đến mức không thể tái canh tác.

Có ý kiến cho rằng đất đai ở Tây Nguyên hiện nay bị suy thoái dẫn đến năng suất, chất lượng cây trồng giảm nhất là cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, đặc biệt là nhiều dịch bệnh từ đất. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Dưới ảnh hưởng của các quá trình thổ nhưỡng bất thuận như sự sụt giảm chất hữu cơ, rửa trôi, cố định dinh dưỡng, mất kiềm và chua hóa… cũng như việc sử dụng hóa chất nông nghiệp một cách thái quá của con người đã làm cho chất lượng đất sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên đã và đang biến động theo hướng bất lợi cho sự sinh trưởng, phát triển và tạo lập năng suất của cây trồng.

So với đầu nhiệm kỳ canh tác, một số chỉ tiêu độ phì nhiêu đất trồng cà phê và hồ tiêu tại Tây Nguyên sau 10-20 năm đã có nhiều thay đổi: độ pH giảm trung bình 0,5-1,0 đơn vị; hàm lượng chất hữu cơ và các khoáng dinh dưỡng thiết yếu sụt giảm đáng kể; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các nguyên tố kim loại nặng như Cd, Pb, As, Zn, Cu… tuy chưa vượt ngưỡng cho phép song có xu hướng tăng lên.

Trong đó đáng lưu ý là tại một số nơi, Cu, Zn bị tích lũy ở mức báo động. Mật đô vi sinh vật có lợi như cố định đạm, phân giải lân, phân giải cellulose, đối kháng với nấm và vi khuẩn gây bệnh… bị suy giảm, trong khi các loại vi sinh vật gây hại có xu hướng gia tăng.

Hàng loạt diện tích cà phê, hồ tiêu sau thanh lý có mật số tuyến trùng >100 con/100g đất, không đảm bảo cho việc tái canh ngay mà phải cần thời gian và biện pháp xử lý thích hợp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội người dân trong vùng, đặc biệt là cộng đồng những người trực tiếp sản xuất phê và hồ tiêu.

Bên cạnh đó, đa số diện tích đất canh tác tại vùng Tây Nguyên đều nằm trên thế dốc, trong khi lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa. Hiện tượng xói mòn bề mặt đã và đang xảy ra ở mức báo động.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Đất, phân bón và Môi trường Tây Nguyên, trung bình, lượng đất bị xói mòn ở công thức bỏ trống không canh tác là 51,8 tấn/ha/năm, ở các công thức trồng cây hàng năm là 33,6 tấn/ha và cây lâu năm là 7,7 tấn/ha.

Đất đai ở Tây Nguyên có độ dốc lớn nên hàng năm vào mùa mưa bị xói mòn nghiêm trọng.

Đất đai ở Tây Nguyên có độ dốc lớn nên hàng năm vào mùa mưa bị xói mòn nghiêm trọng.

Để phục hồi chất lượng đất cho Tây Nguyên, chúng ta phải có hành động gì thưa ông?

Với vùng đất được xem là có tiềm năng song cũng ẩn chứa không ít thách thức cho phát triển cây trồng như Tây Nguyên. Quan điểm sử dụng đi cùng bảo vệ và cải tạo cần được xuyên suốt trong quá trình canh tác. Đẩy mạnh công tác truyền thông từng bước thay đổi nhận thức, cũng như cập nhật kiến thức, kỹ năng canh tác bền vững, bảo vệ và ổn định độ phì nhiêu đất cho người dân địa phương.

Theo đó, mục tiêu năng suất đề ra cần phải thực tế, nằm trong sức chịu đựng của đất, đảm bảo tính bền vững. Mức đầu tư thâm canh nên được tính toán thích hợp, cân đối. Sử dụng các giống có tính chống chịu tốt với điều kiện sâu, bệnh, hạn hán, thời tiết bất lợi.

Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế cho các loại hóa chất nông nghiệp. Có thể bổ sung vào đất các khoáng vật có đặc tính hấp thu kim loại nặng  như: bentonit, zeloit... hoặc sử dụng một số loại thực vật như cỏ hương bài, cải xoong, cây dương xỉ, cúc vạn thọ... để xử lý đất.

Để hạn chế tình trạng xói mòn trên đất dốc, việc gieo trồng theo đường đồng mức, làm ruộng bậc thang, tạo bồn quanh gốc cho cây lâu năm, kết hợp xen canh hợp lý… cần được khuyến cáo.

Kết quả thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên cho thấy: trồng xen cây họ đậu trên vườn cà phê giai đoạn kến thiết cơ bản làm giảm 10,9 tấn đất trôi/ha/năm so với trồng thuần; biện pháp tạo bồn quanh gốc giảm được 21,4 tấn đất trôi/ha/năm; tạo bồn kết hợp với trồng xen cây họ đậu giảm được 25 tấn đất trôi/ha/năm.

Đối với cây cao su năm thứ 2 và 3, việc trồng xen cây lương thực, đậu đỗ hoặc các loại thảm phủ cây phân xanh khác, lượng đất xói mòn giảm 51,7- 90,2% so với canh tác cao su thuần không áp dụng biện pháp bảo vệ đất.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười một: Câu chuyện tiếp thị

Nguyên tắc thị trường là phải tiếp thị, không tiếp thị hoặc tiếp thị không đúng sẽ giới hạn không gian đối tượng tiêu dùng.

Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Bí kíp của tỷ phú thanh trà ngọt Năm Cập

Vĩnh Long Hơn 1 thập kỷ nghiên cứu, ông Huỳnh Văn Cập đã tìm ra cách để cây thanh trà ngọt tăng khả năng ra hoa đậu trái, không còn phụ thuộc vào thời tiết.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.