Với mục tiêu “công nhân giàu, công ty mạnh” xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, 40 năm kể từ ngày Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Quân khu 7 chính thức kết nghĩa phối hợp hoạt động.
Ðó là quãng thời gian chứng kiến quá trình tích cực vun đắp tình đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa hai đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Đặc biệt, cụ thể hóa các hoạt động kết nghĩa được thể hiện rõ nét tại các khu vực biên giới, nơi Đảng và Nhà nước đang dành nhiều sự quan tâm đặc biệt nhằm phát triển kinh tế vùng biên để củng cố an ninh quốc phòng.
Sức sống mới nơi vùng biên
Theo chân cán bộ Quân khu 7 và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đến thăm khu dân cư liền kề thuộc huyện biên giới Bù Đốp tỉnh Bình Phước, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay diện mạo nơi đây. Những ngôi nhà xây khang trang còn thơm mùi sơn mới nằm cạnh tuyến đường vành đai biên giới, được bao quanh bởi rừng cao su xanh mát.
Được biết, để có khu dân cư khang trang như ngày hôm nay là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quân khu 7 với cấp ủy chính quyền địa phương và VRG. Theo đó, sau khi có Đề án 811 của Quân khu 7 và kế hoạch của UBND tỉnh Bình Phước về xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, VRG đã chủ động lựa chọn những khu đất bằng phẳng bàn giao cho địa phương và Quân khu để xây dựng các điểm khu dân cư.
Song song đó, để người dân an cư lập nghiệp, VRG còn chủ động đào tạo nghề, tuyển mộ bà con vào làm công nhân khai thác mủ cao su, từng bước giúp bà con ổn định cuộc sống.
Đơn cử tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc tổ 10, ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, được bố trí trên khu đất bằng phẳng, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang. Năm 2019, 35 hộ thuộc các đối tượng nằm trong dự án được chuyển về đây sinh sống. Sau hơn 3 năm, cuộc sống nhiều người dân nơi đây ổn định hơn nơi ở trước rất nhiều.
Năm 2019, ông Dương Danh Sơn (60 tuổi)) được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và chính quyền địa phương cấp cho căn nhà trên mảnh đất 360 m2 tại khu dân cư liền kề biên giới thuộc tổ 10, ấp 3, xã Thanh Hòa. Vốn có kinh nghiệm, kỹ năng khai thác mủ cao su, ông và những người trong gia đình còn được tuyển dụng làm công khai thác.
Ngoài ra, gia đình ông còn được hỗ trợ 6 triệu đồng. Số tiền dù nhỏ, nhưng gia đình ông đã đầu tư mua cặp dê sinh sản về nuôi. Đến nay, đàn dê đã phát triển hơn chục con, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi lứa.
“Từ khi Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho người dân biên giới an cư lạc nghiệp và cấp cho mỗi hộ một căn nhà làm nền tảng vững chắc phát triển kinh tế, chúng tôi rất phấn khởi. Tại đây, mọi người vừa tăng gia sản xuất, vừa có trách nhiệm làm 'tai mắt' để bảo vệ biên giới”, ông Sơn chia sẻ.
Tương tự, gia đình anh Phạm Quốc Sự (39 tuổi) và chị Phan Thị Hải đã tình nguyện chuyển về sinh sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa để “an cư, lạc nghiệp”. Vợ chồng anh Sự, chị Hải hiện đã có 2 người con. Cuộc sống tuy chưa khá giả nhưng đã ổn định hơn. Trước khi chuyển về sinh sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, vợ chồng anh Sự sinh sống tại thôn 4, xã Thiện Hưng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo và không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu đi làm thuê.
“Từ khi tình nguyện về điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, có được căn nhà và ít vốn liếng, vợ chồng tôi không ngừng quyết tâm vượt khó vươn lên. Có được như ngày hôm nay, chúng tôi cảm ơn chính quyền đã tạo điều kiện cho vợ chồng tôi cũng như người dân đang sinh sống ở đây có cuộc sống ổn định hơn”, anh Sự vui vẻ nói.
"Từ khi có người dân sinh sống ở đây đã góp phần giúp lực lượng vũ trang trong quá trình hoạt động tuần tra bảo vệ an ninh trật tự. Từ đó, chúng tôi có thể nắm bắt ngay những đối tượng vi phạm quy định về an ninh biên giới. Có bà con, việc giữ gìn an ninh, trật tự cũng như các vấn đề liên quan được giải quyết triệt để và nhanh chóng hơn so với trước đây”, ông Vũ Viết Quý, Chốt trưởng Chốt dân quân xã Thanh Hòa cho biết.
Xây dựng thế trận lòng dân
Hiện nay, việc xây dựng các điểm dân cư ở khu vực biên giới Bình Phước đã làm thay đổi diện mạo vùng biên.
Theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước, Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” trên địa bàn tỉnh thực hiện từ Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” và Đề án 811 của Quân khu 7 và kế hoạch của UBND tỉnh Bình Phước.
Đề án này vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tầm chiến lược lâu dài nhằm hình thành chỗ dựa vững chắc hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Đồng thời thực hiện chính sách an dân giữ đất biên cương, góp phần nâng cao sức mạnh tổng lực của thế trận lòng dân, tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển.
Đề án triển khai 3 giai đoạn, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Bình Phước đã phát triển được 11 điểm dân cư với 100 gia đình và 300 nhân khẩu. Các điểm dân cư nằm trên trục đường tuần tra biên giới, giao thông đi lại cơ bản thuận lợi; sử dụng điện lưới quốc gia, nước giếng khoan; cách trung tâm hành chính xã từ 6 - 20 km.
Diện mạo kinh tế - xã hội vùng biên giới của tỉnh Bình Phước có sự khởi sắc, quốc phòng - an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ liên hoàn “khép kín”, vững chắc trên tuyến biên giới.
Theo đại tá Nguyễn Thành Ruân, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước, tỉnh có đường biên giới dài hơn 260 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân ở các điểm dân cư này đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ biên giới, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, góp phần tạo nên thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Để có được các điểm khu dân cư như ngày hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ từ phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
"Có thể khẳng định, trong những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói chung, Công ty Cao su Lộc Ninh nói riêng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Quân khu 7 thực hiện tốt hoạt động phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, đặc biệt là trên tuyến biên giới của tỉnh Bình Phước.
Đây tiếp tục là tiền đề, là cơ sở vững chắc để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói chung, Công ty Cao su Lộc Ninh nói riêng và các đơn vị thuộc Quân khu 7 thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp hoạt động trong thời gian tới. Góp phần xây dựng công ty với mục tiêu “công nhân giàu, công ty mạnh” xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo vệ vững chắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”, đại tá Nguyễn Thành Ruân nhấn mạnh.
“Những việc làm thiết thực trong hoạt động kết nghĩa giữa Quân khu 7 và VRG có ý nghĩa xã hội và đậm tính nhân văn sâu sắc; vừa thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các đơn vị, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn biên giới, xây dựng tiềm lực quân sự - quốc phòng trên địa bàn trọng điểm chiến lược”, Phó Tổng Giám đốc VRG Trần Thanh Phụng khẳng định.