| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối từ sự cạnh tranh sách giáo khoa

Thứ Bảy 21/12/2019 , 07:10 (GMT+7)

Chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa bắt đầu hé lộ nhiều rắc rối, khi bị yếu tố thị trường tác động trực tiếp.

Nhiều bất cập đang xuất hiện, càng nghĩ càng lo!

17-17-28_sch_gio_kho
Ảnh mang tính minh họa.

Một thông tin khiến nhiều người bẽ bàng: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi mỗi năm 516 triệu đồng cho 11 thành viên trong Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam, trực thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM. Người nhận thù lao cao nhất là Giám đốc Sở với 6 triệu đồng/ tháng, Phó Giám đốc Sở là 5 triệu đồng/ tháng, các ủy viên thường trực là 4 triệu đồng/ tháng… Vì sao có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy?

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong cho rằng, nếu lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM giúp tập hợp đội ngũ giáo viên, chuyên gia viết sách thì nhà xuất bản cũng chỉ trả thù lao một lần hoặc theo đợt. Tại sao họ lại nhận thù lao thường xuyên hàng tháng? Việc lãnh đạo và những cán bộ của một cơ quan quản lý giáo dục có vai trò quan trọng trong việc chọn sách giáo khoa mà nhận tiền thường xuyên từ một đơn vị kinh doanh sách giáo khoa là "rất không được và không ổn chút nào". 

Sở Giáo dục & Đào tạo là đầu mối hướng dẫn mỗi địa phương chọn sách giáo khoa, cho nên nhà xuất bản sẽ không bỏ qua đầu mối quan trọng này. Tại sao từ năm 2015, nhà xuất bản đã chi thù lao hàng tháng cho ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa của TP.HCM, trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ được chính thức thông qua từ tháng 12/2018?

Vậy Nhà xuất bản Giáo dục đã bắt đầu viết sách giáo khoa từ khi nào và chương trình ở đâu để họ viết? Một số người tâm huyết với giáo dục đã nói với tôi, giá như sự việc này được phanh phui trước khi hội đồng thẩm định sách giáo khoa bắt đầu làm việc thì mọi chuyện đã khác. Nếu biết trước có chuyện bắt tay giữa Nhà xuất bản Giáo dục và Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM, rất có thể bộ sách của TP HCM sẽ bị loại từ đầu, không được đưa vào ứng thí cùng các bộ sách khác.

Trước thực trạng nhiều nhà xuất bản cùng tham gia vào thị trường sách giáo khoa, thì việc gì sẽ xảy ra? Ông Nguyễn Kiểm - nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhận định: “Việc cấp giấy phép cho 6 nhà xuất bản ngoài Nhà xuất bản Giáo dục có thêm chức năng xuất bản sách giáo khoa chỉ là bước đi đầu tiên của quá trình tổ chức lại một công việc mang tính xã hội, lại chỉ do một đơn vị thực hiện trong nhiều thập kỷ như xuất bản sách giáo khoa.

Nếu 6 nhà xuất bản mới được cấp phép có khả năng huy động nhiều nguồn lực xã hội, tạo được sự tin cậy của đội ngũ tác giả, cộng tác viên có uy tín, sớm thích ứng với việc tổ chức sản xuất mặt hàng có tính đặc thù này, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh tích cực với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và người dùng sách giáo khoa sẽ được hưởng lợi, trước hết là về chất lượng sách giáo khoa”.

Ngược lại, khi các nhà xuất bản đã tích cực đầu tư vào sách giáo khoa, thì số tiền 16 triệu USD để viết bộ sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, bỗng dưng vô giá trị. 16 triệu USD không phải nhỏ, cần giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho biết là sẽ sử dụng một phần vào biên soạn tài liệu tập huấn, thẩm định, thực nghiệm, viết sách song ngữ (tiếng Việt, tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết), biên soạn, thử nghiệm sách giáo khoa điện tử…

Phần kinh phí còn lại, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ bàn bạc với Ngân hàng Thế giới tiến hành tái cấu trúc để sử dụng nguồn vốn này vào các cấu phần khác hướng tới mục đích đổi mới chương trình, sách giáo khoa. 

Sự cạnh tranh của thị trường sách giáo khoa, đã khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng bộ sách được chọn lựa giảng dạy và học tập. Giáo sư - Tiến sĩ Dương Minh Đức nhận định: “Tôi cho rằng bộ sách giáo khoa lý tưởng là nằm ở chỗ cái gì không cần thì không dạy. Đây là tiêu chí chủ yếu. Tiếp theo, người biên soạn nên chú trọng việc dạy tư duy cho người học. Tôi rất kỳ vọng với điều luật mới về biên soạn sách giáo khoa.

Theo đó, người soạn sách không cần soạn cả bộ, mà chỉ cần thấy trình độ lớp nào thích hợp với mình, họ sẽ biên soạn cho trình độ lớp đó, chứ không phải biên soạn bộ sách cho cả bậc học. Bởi, tập hợp nhóm tác giả soạn cả bộ sẽ khó và phức tạp hơn nếu chỉ dành tâm huyết soạn cho một lớp nhất định.

Thiết nghĩ, việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông nên để cho các thầy cô của bậc học này làm hơn là để chuyên gia biên soạn. Bởi họ đủ sức soạn sách cũng như giàu kinh nghiệm giảng dạy, nắm bắt rõ tâm lý của các em học sinh. Họ biết cần phải làm gì tốt nhất và phù hợp nhất cho học sinh của mình. Những người biên soạn sách, nếu không phải là các thầy cô trực tiếp giảng dạy đối tượng này, sẽ không thể thấu hiểu được.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các thầy cô ở bậc đại học với tính chất cố vấn sẽ giúp chương trình học được nhất quán và sâu sắc hơn”.

(Kiến thức gia đình số 51)

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.