| Hotline: 0983.970.780

Tết ấm áp của công nhân xa quê

Thứ Sáu 12/02/2021 , 21:15 (GMT+7)

Hàng trăm ngàn công nhân làm việc tại Bình Dương phải đón Tết xa nhà do Covid-19. Nhờ sự quan tâm của công ty, công đoàn, chính quyền đã giúp họ cảm thấy ấm lòng.

Những dự định không thành

Sau 10 năm ăn Tết xa quê, năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Yên, công nhân Công ty TNHH Esprinta Việt Nam (TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dự định về quê ăn Tết với gia đình.

Để có kinh phí cho cả 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ về quê, gia đình chị đã tằn tiện, tiết kiệm suốt một năm. Thế nhưng, cuối cùng vì dịch bệnh, chị đành một lần nữa lỗi hẹn với quê hương.

“Tôi quê Bắc Giang, vào đây làm công nhân 10 năm rồi. Lần về gần nhất cũng cách đây 6 năm. Nhớ bố mẹ, nhớ quê lắm. Nên dự định năm nay sẽ về, mà cuối cùng không về được vì dịch, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Thấy nhiều người về, nôn nao, buồn lắm. Chồng tôi thấy vợ buồn, bảo mua vé cho tôi về quê, nhưng tôi không nỡ để 3 bố con ở lại ăn Tết. Lo 1 vé thì còn có thể, chứ lo cho cả gia đình thì khó. Nên cuối cùng đành chấp nhận ở lại”, chị Yên tâm sự.

Nữ công nhân và giây phút chạnh lòng khi không thể về quê đón Tết. Ảnh: Minh Thiên.

Nữ công nhân và giây phút chạnh lòng khi không thể về quê đón Tết. Ảnh: Minh Thiên.

Vào Bình Dương lập nghiệp 6 năm qua cũng là quãng thời gian vợ chồng chị Đặng Thị Toa, công nhân Công ty TNHH giày Thông Dụng (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) chưa một lần về đón Tết tại quê nhà Bình Định.

Tuy quãng đường Bình Dương-Bình Định không quá xa nhưng vì hoàn cảnh còn nhiều khó khăn phải nuôi 3 con nhỏ nên nhiều năm chị đón Tết nơi xứ người. Chị Toa dự tính năm nay sẽ về quê, nhưng đành ở lại để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.

“Mong muốn hết dịch để bà con sống trong bình an. Mong Bình Dương kinh tế phát triển để cho nhiều người có việc làm có thu nhập ổn định và quan tâm công nhân nhiều hơn nữa”, chị Toa chia sẻ.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện Bình Dương có hơn 500.000 công nhân ở lại đón Tết. Để công nhân xa quê vơi nỗi nhớ nhà và có thêm thu nhập trong những ngày Tết, nhiều công ty ở Bình Dương đã chủ động chăm lo cho công nhân bằng việc thăm, tặng quà và bố trí việc làm, nhằm "giữ chân" nguồn lao động sau Tết. 

Khi thông tin về dịch Covid-19 bùng phát, công ty TNHH Polytex Far Eastern (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) khuyến khích công nhân “thật sự cần thiết thì mới về quê” nhằm hạn chế thấp nhất việc di chuyển, góp sức cùng cả nước chống dịch. Cũng vì lẽ đó, Tết năm nay công ty có gần 1.000 công nhân ở lại làm việc trong Tết, chiếm gần một nửa trong tổng số 2.200 công nhân.

Ông Vương Vạn Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Bộ quản lý nhà máy công ty TNHH Polytex Far Eastern cho biết, trong những ngày Tết, công ty xây dựng khẩu phần ăn của công nhân đậm hương vị Tết, đồng thời hỗ trợ để họ yên tâm ở lại.

“Người lao động làm việc những ngày Tết, sẽ có hỗ trợ về lương theo quy định là nhân 3 lần. Ngoài ra, nhà máy sẽ có những trợ cấp riêng, lì xì chúc Tết cho người lao động và nhắc nhở phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian lao động làm việc dịp Tết, công tác bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 vẫn được đề cao. Công nhân có trang bị bảo hộ đầy đủ, được kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ, ra vào được kiểm tra thân nhiệt đầy đủ”, ông Nghĩa nói.

Vật chất nhỏ, nghĩa tình lớn

Năm nay, do tình hình dịch, số lượng công nhân “kẹt” lại Bình Dương đón Tết vượt xa so với dự tính đã gây áp lực không nhỏ cho địa phương. Trước khó khăn đó, chính quyền và các cấp ngành Bình Dương đã chủ động tháo gỡ bằng nhiều cách để tất cả công nhân đều có Tết.

Ngoài 15.000 phần quà Tết cho công nhân khó khăn từ ngân sách địa phương, Liên đoàn lao động tỉnh đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để tặng quà cho những người ở lại.

Công đoàn Bình Dương cũng hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi công nhân được tặng vé xe trong chương trình “Chuyến xe Xuân nghĩa tình” nhưng do dịch bệnh địa phương đã không tổ chức.

Những món quà hỗ trợ không lớn về giá trị vật chất, nhưng có ý nghĩa tinh thần lớn. Ảnh: Minh Thiên.

Những món quà hỗ trợ không lớn về giá trị vật chất, nhưng có ý nghĩa tinh thần lớn. Ảnh: Minh Thiên.

Đêm 11/2 (30 Tết Tân Sửu), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân - Lao động trẻ tỉnh Bình Dương đã tổ chức chương trình “Ấm áp Giao thừa và mâm cơm sum họp ngày 30 Tết”, nhằm kịp thời động viên, chia sẻ với thanh niên công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.

Ông Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên - Công nhân và lao động trẻ Bình Dương cho biết, Trung tâm và các mạnh thường quân đã gửi tặng 90 phần quà cho công nhân Câu lạc bộ số 8, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (TX.Tân Uyên); công nhân Khu Nhà ở xã hội Hòa Lợi (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một); và các Câu lạc bộ thuộc khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3 (thị xã Bến Cát). Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm thiết yếu.

Ngoài ra, để tạo không khí vui tươi kết nối thanh niên công nhân không về quê ăn Tết, Trung tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện mâm cơm sum họp với các món ăn truyền thống của dân tộc. Trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, các bạn thanh niên công nhân quây quần bên mâm cơm tất niên chúc nhau những lời tốt đẹp, mong muốn một cuộc sống đầy đủ nơi đất khách.

“Giá trị vật chất hỗ trợ thì không lớn, nhưng có giá trị không nhỏ về tinh thần, nhằm động viên, chia sẻ với người lao động không có điều kiện về quê ăn Tết tại các câu lạc bộ kết nối thanh niên công nhân trực thuộc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh Bình Dương”, ông Phùng cho biết.

Còn ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cũng chia sẻ, năm nay Bình Dương không xây dựng những “bữa ăn” tinh thần cho công nhân, nhưng bù lại có rất nhiều phần quà để người ở lại đón cái Tết ấm áp, đầy đủ. “Chúng tôi dành nguồn ngân sách, cũng như vận động các mạnh thường quân thăm và tặng quà để kịp thời động viên, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và tổ chức công đoàn để tri ân, ghi nhận sự đóng góp của đoàn viên, công nhân lao động trong một năm 2020 đầy vất vả, đầy trách nhiệm.

Qua đó cũng thể hiện mối quan tâm của tổ chức công đoàn, tạo cho công đoàn là tổ ấm là chỗ dựa của đoàn viên, công nhân lao động”, ông Khánh cho biết.

Dù xa quê, công nhân vẫn có một cái Tết ấm cúng ở phòng trọ. Ảnh: MInh Thiên.

Dù xa quê, công nhân vẫn có một cái Tết ấm cúng ở phòng trọ. Ảnh: MInh Thiên.

Trước sự quan tâm, sẻ chia của công ty, đoàn thể, địa phương, những công nhân khó khăn, “hụt” chuyến về quê dịp Tết, đều bày tỏ sự xúc động. Tất cả họ khi được hỏi đều có cùng quan điểm: “Giá trị vật chất bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ”.

“Những hoạt động chăm lo, hỗ trợ một phần về vật chất, tinh thần cho người lao động này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, mà còn góp phần giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện tốt hơn.

Và đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, công tác chăm lo đời sống cho công nhân cũng là một trong những hoạt động giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn lao động, ổn định hoạt động sản xuất sớm sau Tết”, ông Nguyễn Đình Khánh.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng cứu nạn thành công 6 thuyền viên

Chiều 4/10, các chiến sĩ Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng) cứu nạn thành công, đưa vào bờ an toàn 6 thuyền viên gặp nạn trên vùng biển huyện Trần Đề.