| Hotline: 0983.970.780

ThaiBinh Seed đổi thay sản xuất lúa Tây Nguyên

Thứ Hai 11/10/2021 , 08:30 (GMT+7)

Các giống lúa của ThaiBinh Seed từng bước thay thế giống địa phương ở Tây Nguyên, tăng năng suất, chất lượng lúa. Đồng thời, từng bước thay đổi tập quán canh tác của bà con.

Đưa giống lúa xác nhận vào sản xuất

Vụ hè thu 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) đã phối hợp với các huyện, xã, trạm khuyến nông khu vực Tây Nguyên triển khai nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn, dự án sản xuất các giống lúa năng suất, chất lượng cao như: TBR225 mới có gen kháng bạc lá (TBR225 - KBL), BC15 mới có gen kháng đạo ôn, TBR97, TBR39 và giống lúa năng suất cao dành cho chế biến TBR-1. Các giống lúa nói trên đã nhanh chóng chinh phục vùng đất Tây Nguyên.

Mô hình sản xuất giống lúa TBR1 của ThaiBinh Seed. Ảnh: Đ.T

Mô hình sản xuất giống lúa TBR1 của ThaiBinh Seed. Ảnh: Đ.T

Tại xã Ia Trok (huyện Ia Pa, Gia Lai), ThaiBinh Seed đã triển khai dự án hỗ trợ giống lúa TBR-1 và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong vụ mùa năm 2021.

Lúa là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Ia Trok với khoảng 700 ha. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa trên địa xã vẫn còn hạn chế, nhiều hộ trồng lúa vẫn thực hiện theo kiểu truyền thống, sử dụng các giống lúa cũ có năng suất, chất lượng thấp; mật độ gieo sạ dày từ 200 - 250 kg/ha, cá biệt có hộ gieo sạ trên 300 kg/ha.

Đã thế, chuyện bón phân cho cây lúa cũng không cân đối, sử dụng thuốc BVTV bừa bãi, thậm chí còn không “bắt mạch” được bệnh nên phải phun đến 3 - 4 lần mới đúng thuốc. 

Để chủ động nguồn giống lúa mới cấp xác nhận có năng suất cao, chất lượng tốt, xã Ia Trok cần tổ chức sản xuất nhân giống tại chỗ, nhằm cung cấp giống cho nông dân sản xuất, giảm chi phí tiền giống.

Xuất phát từ mục tiêu trên, ThaiBinh Seed đã triển khai sản xuất 153 ha lúa tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn lúa giống xác nhận, từng bước nâng cao trình độ sản xuất của người dân địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, nâng cao đời sống người dân.

Kết quả cho thấy, năng suất của ruộng dự án đạt bình quân 70 - 75 tạ/ha. Cá biệt có nhiều diện tích được chăm sóc tốt cho năng suất đạt đến 80 tạ/ha.

Thâm canh lúa TBR225 - KBL VÀ TBR-1

Ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk), từ trước đến nay, nông dân thường gieo sạ các giống lúa HT1, ML48, 13/2, Q5. Những giống lúa nói trên khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này nên cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, do trải qua thời gian dài sản xuất nên hiện đã thoái hóa, dẫn đến suy giảm về năng suất, dễ phát sinh sâu bệnh hại.

Từ thực tế trên, ngành chức năng huyện Krông Bông thấy cần phải liên tục tìm chọn những giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh để thử nghiệm và nhân rộng ra đại trà.

Với mục tiêu trên, vụ hè thu năm 2021, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông đã phối hợp với ThaiBinh Seed xây dựng mô hình giống lúa TBR225 - KBL và TBR-1 với diện tích 1ha tại xã Hoà Lễ, bước đầu mô hình đã đạt được kết quả rất khả quan.

Nông dân tham quan giống lúa TBR225 của ThaiBinh Seed. Ảnh: Đ.T

Nông dân tham quan giống lúa TBR225 của ThaiBinh Seed. Ảnh: Đ.T

Qua thực tế sản xuất, giống lúa TBR225 - KBL và giống lúa TBR-1 cho thấy có tỉ lệ nảy mầm cao, trên 95%, cây con mọc khỏe...

Ngành chức năng huyện Krông Bông khẳng định đây là 2 giống lúa có tỉ lệ đẻ nhánh khá cao và tập trung. Giống lúa TBR225 - KBL và TBR-1 cũng được ghi nhận là giống kháng bệnh tốt, lúa sinh trưởng phát triển khoẻ, bộ lá xanh, đẹp, hầu như không bị sâu bệnh phá hoại.

Riêng giống lúa TBR225 - KBL trỗ nhanh, bông to, dài, nhiều gié, đóng hạt dày, màu vàng sáng, tỉ lệ hạt chắc cao, gạo trong, hạt dài, cơm ngon. Còn giống lúa TBR-1 cũng được ghi nhận có ưu điểm trỗ nhanh, bông to, dài, đóng hạt dày, màu vàng sáng, tỉ lệ hạt chắc cao, gạo trong, hạt tròn, thích hợp cho việc làm bún bánh.

Trước kết quả khả quan này, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông khuyến cáo nông dân địa phương nên mạnh dạn đưa giống lúa TBR225 - KBL và giống lúa TBR-1 vào sản xuất đại trà, bởi 2 giống lúa nói trên cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt và có hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo địa phương cần có hướng chỉ đạo hỗ trợ để giống TBR225 - KBL và giống lúa TBR-1 được gieo trồng nhiều ở địa bàn xã.

“Qua quá trình thực hiện mô hình cho thấy, 2 giống lúa thuần TBR225 - KBL và TBR1 có khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, tuy nhiên để đánh giá chính xác về điều kiện thích nghi của 2 giống lúa này cần tiếp tục triển khai thực hiện mô hình thêm các vụ khác cũng như các địa bàn xã khác nhau của huyện”, ông Nguyễn Đức Trung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông nói.

Thay đổi tập quán canh tác nông dân

Vụ hè thu 2021, ThaiBinh Seed phối hợp với địa phương đã triển khai dự án sản xuất 153 ha giống lúa TBR-1 tại xã Ia Trok, huyện Ia Pa (Gia Lai). Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, dự án này còn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Kết quả dự án đạt được các mục tiêu cụ thể: Lượng giống gieo sạ giảm xuống còn từ 70 - 130 kg/ha, các hộ dân tuân thủ quy trình chăm sóc, bón phân và phòng trừ bệnh kịp thời, giảm các chi phí chăm sóc, trình độ canh tác của bà con được nâng cao. Với năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, đã làm tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Ksor Tâm, Chủ tịch xã Ia Trok cho biết: UBND xã và các thôn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, vận động, tuyên truyền bà con trồng lúa biết và tiếp tục áp dụng, nhân rộng trên quy mô lớn hơn cho những năm tiếp theo đối với giống lúa TBR-1”.

Bộ giống của ThaiBinh Seed khẳng định trên đất Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T

Bộ giống của ThaiBinh Seed khẳng định trên đất Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T

Trước đó, năm 2016, ThaiBinh Seed đã khảo nghiệm thành công hai giống lúa thuần TBR225, BC15 và liên kết sản xuất, nhân rộng diện tích gieo trồng tại hầu hết các huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Từ vụ hè thu 2020, ThaiBinh Seed đưa ra thị trường giống lúa BC15 mới (có chuyển gen kháng đạo ôn) với ưu điểm kháng bệnh đạo ôn tốt hơn giống BC15 cũ, góp phần giảm thiểu thuốc BVTV và nâng cao năng suất.

“Thời gian tới, ThaiBinh Seed sẽ mở rộng thị trường hai giống lúa TBR225 - KBL và BC15 kháng đạo ôn tại miền Trung–Tây Nguyên và tiếp tục tìm đầu ra cho lúa thương phẩm có giá trị trên thị trường. Chiến lược sẽ đưa hai giống lúa thuần TBR225 - KBL, BC15 trở thành những giống chủ lực cho khu vực Tây Nguyên và là sự lựa chọn ưu tiên của bà con nông dân", ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc ThaiBinh Seed Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên cho hay.

Hai giống lúa TBR225 và BC15 là giống thuần thuộc bản quyền của ThaiBinh Seed. Bộ NN-PTNT đã công nhận Giống Quốc gia cho BC15 vào năm 2008 và TBR225 vào năm 2015. 

“Vụ hè thu 2021, HTX Nông nghiệp Chư A Thai sản xuất trình diễn giống lúa TBR97 của ThaiBinh Seed với diện tích khoảng 1ha.

Qua thực tế sản xuất, giống lúa TBR97 cho thấy nhiều tính ưu việt, nhất là tính kháng sâu bệnh, cứng cây, không đổ ngã. Năng suất lúa TBR97 cũng vượt trội, vụ hè thu đạt khoảng hơn 70 tạ/ha, còn vụ đông xuân cho năng suất đạt khoảng 85 tạ/ha, cao hơn những giống lúa trước đây bà con nông dân hay dùng.

Gạo TBR97 cũng rất chất lượng, cơm ngon, có mùi thơm. Lúa TBR97 trong mô hình được HTX bao tiêu toàn bộ, sấy khô để xay xát gạo tiêu thụ dần, đồng thời thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất giống lúa này”, ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai, xã Ia Ke (huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho hay.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.