| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh lưu dấu kiểm lâm: [Bài 7] Nhớ mãi những kiểm lâm viên kiên cường

Thứ Sáu 07/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Khi tìm thấy đồng đội nằm lại cánh rừng cháy trơ trụi, anh Tuấn bật khóc rồi những người khác cũng không kìm nổi nước mắt. Cánh rừng biên giới bỗng yên ắng lạ kỳ.

Vụ cháy rừng trên núi Tây Côn Lĩnh đã khiến 15ha rừng bị thiệt hại, 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh. 

Vụ cháy rừng trên núi Tây Côn Lĩnh đã khiến 15ha rừng bị thiệt hại, 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh. 

Chúng tôi trở lại Hà Giang sau hơn 10 ngày ngọn lửa khốc liệt nuốt chửng hơn 15ha rừng trên dải Tây Côn Lĩnh. Đặc biệt là ngọn lửa hung hãn ấy đã cướp đi sinh mạng của hai cán bộ kiểm lâm khi tuổi đời họ còn rất trẻ.

Tối hôm ấy, anh Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang chờ đoàn chúng tôi đến hơn 20 giờ để cùng ăn tối. Bữa cơm của chúng tôi hôm đó cứ kéo dài theo dòng hồi ức sống động và rất nhiều cảm xúc của anh Tuấn về câu chuyện cứu rừng và hai cán bộ kiểm lâm hy sinh.

Anh Đào Duy Tuấn chia sẻ, khi tìm thấy thi thể đồng đội giữa cánh rừng cháy trơ trụi, anh Tuấn bật khóc rồi những người khác cũng không kìm nổi nước mắt. Cả cánh rừng biên giới bỗng yên ắng lạ kỳ.

Thế rồi, sức nặng ghê gớm đè lên vai người báo tin về gia đình các kiểm lâm viên xấu số. Vì lòng đau quặn và vì sợ đối diện với sự đau khổ tột cùng của những người thân của họ, dù chỉ qua một cuộc điện thoại. Nhưng rồi cuối cùng họ vẫn phải báo tin!

Kiểm lâm viên Trương Thị Lan đã hy sinh trong cuộc chiến chống cháy rừng ở Hà Giang hôm 26/4/2024.

Kiểm lâm viên Trương Thị Lan đã hy sinh trong cuộc chiến chống cháy rừng ở Hà Giang hôm 26/4/2024.

Chỉ còn một tuần nữa là sinh nhật em!

Kiểm lâm viên Trương Thị Lan sinh năm 1983, chị chọn vào ngành kiểm lâm gian khó và vất vả trong khi nhiều người, kể cả cánh nam giới còn lắc đầu ngao ngán.

Những năm tháng ra trường rồi về Hà Giang công tác, chị Lan đi khắp núi rừng Tây Côn Lĩnh, ghé khắp các bản làng người Mông, người Dao, người Nùng… để cùng bà con cùng ăn những bữa cơm đạm bạc, để nghe bà con tâm tình chuyện xóm làng nghèo khó, để kể cho bà con chuyện phải quyết tâm giữ rừng. Rồi chị khuyên bà con đừng vi phạm pháp luật, một cây rừng ngã xuống không chỉ làm rừng mất đi gỗ quý, mà người phá rừng sẽ bị công an bắt đi cải tạo, phải xa vợ con, xóm làng, vậy thì chẳng khổ lắm sao. Bao nhiêu kỷ niệm dung dị thân thương ấy về chị Lan, anh em kiểm lâm ở Hà Giang ai cũng nhớ.

Trên trang facebook cá nhân của kiểm lâm viên Trương Thị Lan luôn đầy ắp những hình ảnh ghi lại những chuyến đi tuần rừng- công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm của chị. Những cánh rừng hoa đỗ quyên đỏ, hồng rực rỡ; những cánh rừng cổ thụ cuồn cuộn trải dài xanh mướt; những cánh rừng cheo leo, hiểm trở trên núi cao quanh năm sương giá phủ, khiến những thân cây cổ thụ trở thành môi trường sống lý tưởng đều in dấu chân chị. Qua facebook của chị, có thể cảm nhận được rừng Tây Côn Lĩnh mùa nào cũng đẹp và căng tràn sức sống như chính con người chị.

Lực lượng kiểm lâm Hà Giang cùng người dân địa phương  trồng lại những cây rừng mới trên diện tích rừng vừa bị cháy. Ảnh: Đào Thanh.

Lực lượng kiểm lâm Hà Giang cùng người dân địa phương  trồng lại những cây rừng mới trên diện tích rừng vừa bị cháy. Ảnh: Đào Thanh.

Nhớ lại sự cố cháy rừng ngày 26/4, tiết trời khô nực, ngọn lửa hung hãn đổ từ trên cao cuồn cuộn như dòng thác lũ, lửa bám vào lá cây khô của thảm thực bì dày cộp tích lũy bao năm trong cánh rừng già, cộng thêm gió mạnh nên càng bùng cháy dữ dội. Chỉ từ một đốm cháy nhỏ, ngọn lửa sau đó đã lan rộng tới hàng chục ha.

Chi Cục trưởng Đào Duy Tuấn tâm sự, cứu rừng trên núi cao 2.000 mét trong điều kiện cái gì cũng thiếu, thiếu nước, thiếu đồ ăn, thiếu ngủ… khiến anh em ai cũng kiệt sức. Hôm ấy, Lan mang theo 5 chiếc bánh chưng gù đã chuẩn bị sẵn, rồi lên núi chị chia sẻ cho anh em cùng ăn. 

Theo anh Tuấn, trong đơn vị có nhiều anh em từng được nghe nữ cán bộ kiểm lâm can trường trải lòng về nghề giữ rừng. Chị bảo rằng, lâu ngày gắn bó với những cánh rừng bạt ngàn và những người dân bản thật thà trên dải Tây Côn Lĩnh, chị đã bị núi rừng mê hoặc, đã yêu nơi đây cuồng nhiệt. Bởi thế chị mong muốn xin gắn bó lâu dài với rừng Tây Côn Lĩnh để làm nhiệm vụ, để được thỏa thuê ngắm những cây cổ thụ già nua xòe tán rộng mênh mông, được ngắm những chồi non vươn lên từ những thân cây bé nhỏ. Và đôi khi chỉ là được đứng trên ngọn núi cao ngắm những bản làng xa xôi lẩn mình trong làn khói chiều để nhớ về bát rượu ngô mới ra lò nóng hổi bỏng môi...

Sau cuộc chiến với giặc lửa giữ rừng hôm ấy, mọi người ai cũng đã trở về với làng mạc, với xóm nhỏ, với gia đình của riêng mình. Chỉ có chị Lan là nằm lại mãi mãi với cánh rừng mà những năm tháng thanh xuân đẹp nhất chị đã gắn bó. Rừng xanh đã ôm chị vào lòng.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Trương Thị Lan vào một ngày giữa tháng 5, khoảng 20 ngày sau ngày chị hy sinh và nằm lại cánh rừng Tây Côn Lĩnh. Anh Chu Văn Nam, chồng chị đón tiếp chúng tôi khuôn mặt vẫn đượm buồn.

Anh không tâm sự được gì nhiều. Dường như nỗi đau mất vợ và cả ký ức xót thương về cái chết thảm khốc của chị đã khiến người đàn ông ấy khó có thể vượt qua ngay được.

Nhiều đoàn công tác và đồng nghiệp đến thắp nhang tưởng nhớ hai cán bộ kiểm lâm đã hy sinh, nằm lại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Quang Linh.

Nhiều đoàn công tác và đồng nghiệp đến thắp nhang tưởng nhớ hai cán bộ kiểm lâm đã hy sinh, nằm lại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Quang Linh.

Trên chiếc ban thờ nhỏ của người vợ, anh Nam đặt lên những vỉ thuốc cuối cùng chị còn dùng dang dở, một lọ nước hoa vẫn phảng phất mùi thơm bên cạnh bộ đồng phục kiểm lâm. Nhìn thấy những dòng chữ trên cáo phó: Trương Thị Lan, sinh ngày 2/5/1983, nhiều người đã không khỏi xót xa bởi chị mất trước ngày sinh nhật có đúng một tuần lễ. "Chỉ còn một tuần lễ nữa là em tròn 41 tuổi", anh Nam than thở khiến bầu không khí trầm xuống.

Anh mồ côi mẹ, giờ các con mồ côi cha

Kiểm lâm viên Trần Văn Khiên quê gốc Tiền Hải (Thái Bình) chính thức vào ngành kiểm lâm từ ngày 1/5/2010. Những năm tháng gắn bó với rừng xanh, chưa khi nào anh sợ đối đầu với gian khó, bởi người con trai quê lúa ấy yêu rừng bằng thứ tình yêu đẹp đẽ nhất, như yêu chính gia đình, như yêu những đứa con của mình.

Và anh đã hy sinh cho chính tình yêu và lý tưởng đẹp đẽ của cuộc đời mình khi mãi mãi nằm lại với rừng.

Chúng tôi đến gia đình anh Khiên, gặp chị Bùi Thị Hường vợ anh như héo úa. Chị kể, anh Khiên và chị cùng học Đại học Nông nghiệp, nhưng chị không theo ngành nông nghiệp mà chuyển sang lĩnh vực tài nguyên và môi trường để được làm việc gần nhà.

Ngày anh chị yêu nhau, người thân của chị bảo: Lấy chồng kiểm lâm vất vả lắm, phải biết chấp nhận và hy sinh! Nhưng chỉ có chị mới hiểu được lòng mình muốn gì. Chị lấy anh bởi chỉ khi bên anh, những tâm tư lắng sâu thầm kín của chị mới được trải lòng, thấu hiểu. Sự đồng điệu giữa hai  tâm hồn ấy, đủ lấp đầy hoàn cảnh cuộc đời và nhọc nhằn trong công việc của anh.

Kiểm lâm viên Trần Văn Khiên (ngồi hàng đầu bên trái) hy sinh trong vụ cháy rừng Tây Côn Lĩnh hôm 26/4.

Kiểm lâm viên Trần Văn Khiên (ngồi hàng đầu bên trái) hy sinh trong vụ cháy rừng Tây Côn Lĩnh hôm 26/4.

Thế rồi vợ chồng họ cứ dựa vào nhau mà sống êm đềm hạnh phúc bên hai đứa con. Cháu lớn mới học lớp 5 và cháu nhỏ mới lớp 2. Khi đã thương nhau rồi thì thương luôn cả cái nghề của nhau. Bởi thế, những hôm đêm khuya canh thâu, bỗng thấy anh ra khỏi nhà, chị chợt hiểu rừng lại có chuyện. Chị cũng đã quá quen thuộc với việc chuẩn bị nấu những bữa cơm lúc 12 giờ đêm để anh về cùng anh em đồng đội điểm tâm sau một ngày vất vả lăn lộn với rừng.

Chị Hường kể, khoảng 2 giờ sáng 26/4, anh nhận được cuộc điện thoại gọi đến. Sau đó anh liên tục nghe điện thoại, rồi anh mặc quần áo đồng phục của ngành để lên đường. Chị hỏi: Có việc gì phải không anh? Anh đáp: Ừ cháy rừng rồi! Chị tiễn anh đi rồi khẽ khàng về giường nằm bên các con trong lỗi phập phồng lo lắng. Chị chẳng thể ngờ rằng, đó lại là lần cuối cùng chị được nói chuyện với chồng mình.

Những chồi non đã mọc lên trên những gốc cây rừng bị cháy trên núi Tây Côn Lĩnh.

Những chồi non đã mọc lên trên những gốc cây rừng bị cháy trên núi Tây Côn Lĩnh.

Chị kể, anh Khiên mồ côi mẹ từ nhỏ nên anh luôn muốn dành tình thương yêu của mình cho gia đình và những đứa con. Anh bảo, rất sợ các con cảm thấy thiếu vắng tình thương. Nhưng giờ anh lại để các con mình phải mồ côi cha! Căn nhà hai vợ chồng bao năm dành dụm mới xây được hơn một năm nay hãy còn thơm mùi sơn, anh chị cũng vừa kịp trả xong nợ, bao nhiêu khó khăn mới vơi bớt phần nào thì anh lại ra đi. Chị giấu vội đôi mắt vào trong vạt áo… rồi im lặng.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Thêm 6.500 cây rừng từ Chương trình 'Vì bạn ươm mầm một Việt Nam xanh’

Trong năm 2024, dự kiến sẽ có thêm ít nhất 6.500 cây rừng được trồng từ dự án 'Forests For Good - Vì bạn ươm mầm một Việt Nam xanh'.

Chính sách đồng quản lý phát huy hiệu quả trong phòng chống cháy rừng

Hậu Giang Thực hiện chính sách đồng quản lý giúp Hậu Giang hạn chế, kiểm soát được tình trạng người dân ra vào rừng trái phép, nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm