| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên, mùa xing xơng

Thứ Hai 30/01/2023 , 06:00 (GMT+7)

Để đề phòng thú dữ và những bất trắc khi ra khỏi nhà, người Tây Nguyên đã làm ra đôi cà kheo, 'nối' cho đôi chân thêm dài hơn, những bước đi thêm nhanh hơn…

Ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc (3)

Những thanh niên làng trổ tài thi cà kheo đá bóng. Ảnh: Đăng Lâm.

Chiều Tây Nguyên những ngày đầu năm. Lạnh.

Mái nhà rông truyền thống của người BahNar như lưỡi rìu đặt ngược, ngạo nghễ vươn lên giữa bầu trời ngằn ngặt xanh như thách đố, như phòng vệ…

Những tia nắng cuối ngày đẩy bóng mái nhà rông thêm xa hơn, như muốn bao trùm cả ngôi làng, bảo vệ cho dân làng khi bóng đêm u minh dần đến…

Phía ấy - phía sân ngôi nhà rông sừng sững giữa làng Kon Măh ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, tôi nghe những tiếng cười nói, những âm thanh lách cách như tiếng cây gõ vào nhau. Ở đó, thanh niên, và những đứa trẻ chỉ mới lên tám, lên mười đang trổ tài đi cà kheo, sau một ngày lao động và học tập.

Tây Nguyên đã vào mùa Xing Xơng!

Làng của “những đôi chân dài”

Đập vào mắt tôi là ngay trước khoảnh sân rộng giữa làng, hàng chục đôi chân được “nối dài” bởi những đôi cà kheo đang trổ tài chạy thi, đá bóng…

Tham - một chàng trai người BahNar trong làng Kon Măh đang chỉ dạy mấy em nhỏ cách bước đi trên hai cây sào tre lêu khêu trước sân nhà rông. Thấy tôi đến, Tham cẩn thận dặn dò đám trẻ nhỏ mấy câu, rồi chạy đến, vui vẻ chuyện trò.

z4008142956230_7c8dbce8898759070413bf1e98bff265

Đối với người BahNar, từ trẻ em đến người già đều biết chơi cà kheo. Ảnh: Đăng Lâm.

“Theo người già thì đôi cà kheo, tiếng BahNar gọi là “xing xơng”. Ngày trước, lúc chưa có cái dép, người BahNar toàn đi chân đất nên hay bị con kiến, con rắn con rết cắn. Đường làng cũng toàn đường đất, mùa mưa thường rất bẩn, vì vậy, ông bà xưa làm ra đôi cà kheo để đi lại cho thuận tiện. Ngoài ra, đôi cà kheo cũng giúp người làng tránh được những cuộc "đụng độ" với thú rừng những lúc có việc phải ra khỏi nhà vào buổi tối...”, Tham cho biết.

Để làm ra “đôi chân thứ 2” thì những cây tre già, đặc ruột trong rừng được chặt về, chọn đoạn thẳng chẻ ra, cắt ngắn thành hai đoạn với chiều cao vừa đến đầu người sử dụng. Tiếp đó, dùng dây rừng buộc thêm hai cái khấc cũng bằng tre dài độ hơn gang tay làm bàn đạp để đứng lên. “Ngày trước, bàn đạp cà kheo ngang bằng với độ cao từ mặt đất đến sàn nhà, sao cho từ sàn nhà bước ra là leo thẳng lên "đôi chân nối dài" này, sau đó sải những bước dài mà đôi chân trần không hề chạm xuống mặt đất”, Tham nói.

Giờ, đường làng ngõ xóm hầu hết đã được bê tông hóa sạch sẽ, cũng… chẳng còn thú rừng để mà phải “đề phòng”, vậy nên xing xơng - cà kheo không còn được sử dụng như ý nghĩa ban đầu. Tuy nhiên với người làng Kon Măh thì, việc tập và biểu diễn cà kheo vẫn được duy trì khá đều, như một nét sinh hoạt văn hóa - thể thao không thể thiếu của người làng. Trong tất cả các cuộc lễ hội của làng Kon Măh, của xã Hà Tây thì môn biểu diễn cà kheo luôn là một thành tố không thể thiếu bên cạnh xoang, cồng chiêng, rượu cần, dệt thổ cẩm, tạc tượng…

Ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc (5)

Chơi cà kheo trở thành niềm đam mê của những đứa trẻ trong làng Kon Măh. Ảnh: Đăng Lâm.

Để có được những buổi trổ tài biểu diễn cà kheo trong các dịp lễ hội ấy, trai trẻ làng Kon Măh luôn phải tập luyện. Như chiều nay, trong cái lạnh hanh hao của mùa khô Tây Nguyên, dưới ánh nắng xiên đổ dài mái nhà rông làng Kon Măh, và dưới sự hướng dẫn của “huấn luyện viên” Tham, lũ trẻ trong làng cứ thoăn thoắt trên những đôi “chân” được “nối dài”: Chúng tập đi, tập chạy, kể cả… đá bóng.

Những cú sút “cháy lưới” từ những đôi cà kheo lêu khêu.

Những tiếng hò reo vang dội của lũ trẻ mỗi khi đưa bóng vào lưới đối phương.

Và, những nụ cười móm mém của người già ở làng Kon Măh…

Làng Kon Măh thật yên bình trong một buổi chiều nắng nhẹ đầu xuân!

Xing xơng bước ra từ làng

Chơp là thành viên nhỏ nhất trong số những đứa trẻ đang tập cà kheo trước sân nhà rông. Với dáng người nhỏ bé của cậu thiếu niên BahNar mới tám tuổi, nhưng không hề thiếu sự nhanh nhẹn, khéo léo lạ lùng trên đôi cà kheo. Chớp mắt, Chơp đã leo lên đôi cà kheo hơi... quá khổ và thuần thục di chuyển. Với đám trẻ con làng Kon Măh thì đây là một trò chơi quen thuộc và thích thú. Những “đôi chân” lêu nghêu thi nhau rượt đuổi theo trái bóng tròn, tranh bóng, dẫn bóng rồi sút thẳng vào cầu môn trong tiếng reo hò rộn rã...

Ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc (7) (1)

Lễ hội thi cà kheo là nét đẹp luôn được người đồng bào BahNar lưu giữ. Ảnh: Đăng Lâm.

Để có được những buổi chiều vui như thế này, không thể không kể đến công sức của “huấn luyện viên” Tham. Nhắc đến Tham là nhắc đến một vận động viên nhiều thành tích nhất của làng Kon Măh ở bộ môn cà kheo. Để minh chứng cho lời nói rất thật của Tham là “đếm không hết số huy chương”, Tham đưa tôi về nhà của anh.

Gian phòng khách gọn gàng của gia đình anh được treo kín bởi các loại bằng khen, giấy khen, huy chương của cá nhân Tham: 31 huy chương các loại qua 10 năm liền tham gia Hội thao các dân tộc thiểu số cả trong tỉnh và toàn quốc, trong đó có 17 huy chương Vàng. Một thành tích “khủng” của vận động viên năm nay vừa bước sang tuổi ba mươi mốt.

“Đáng nhớ nhất là lần tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ IX, khu vực II năm 2015 tổ chức tại TP Kon Tum. Lần đó, em giành huy chương Vàng ở cự ly 800m trong sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Hơn hai năm trước, em bị gãy tay do ngã xe máy, phải mổ bắt vít nên tạm thời ngừng thi đấu”, Tham nói.

Anh Tham bên bộ sưu tập huy chương. Ảnh P.D

Tham bên bộ suy tập huy chương thi cà kheo của mình. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau tai nạn, 4 đôi cà kheo do chính tay Tham làm để dạy lũ trẻ trong làng, giờ đã được cẩn thận cột lại, gác lên xà nhà. Tuy nhiên với niềm đam mê môn thể thao truyền thống này nên mỗi chiều, Tham vẫn ra sân nhà rông, hướng dẫn đàn em từ mỗi một động tác nhỏ. Tham nói: “Nếu không vì đam mê thì khó mà dứt việc ruộng rẫy, nhất là khi vào mùa thu hoạch để tham gia tập luyện, thi đấu trong thời gian dài. Trong khi đó, tiền thưởng và chế độ của vận động viên lại không đáng là bao”.

“Nhân tài xing xơng” ở làng Kon Măh không thiếu khi mà Tham vừa tạm nghỉ thi đấu do bị chấn thương thì Đêm - một bạn trẻ kế cận sinh năm 2002, lại được dịp trổ tài. Đêm thật thà cho biết: Trước kia, chưa bao giờ em nghĩ với đôi thanh tre đơn sơ lại có ngày đưa mình vượt ra khỏi mảnh sân làng để đến với các sân chơi thể thao lớn. “Rồi một ngày, những chiếc huy chương mà anh Tham mang về đã khơi lên bao mơ ước. Ban đầu chỉ tập cho vui, rồi sau đó, được sự hướng dẫn nhiệt tình của anh Tham, em đã thực sự đam mê bộ môn truyền thống này. Em quyết tâm tập luyện. Anh Tham thấy em có năng khiếu nên đã động viên em tham dự các hội thi”, Đêm chia sẻ.

Tuy chỉ mới tham gia thi đấu môn cà kheo chưa lâu, nhưng Đêm đã kịp sở hữu 8 huy chương Vàng trong tổng số 11 huy chương các loại. Tại nội dung thi cà kheo ở Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) vào tháng 11/2022, Đêm đã xuất sắc giành huy chương Vàng. “Đi thi vui lắm, được gặp gỡ nhiều dân tộc anh em, học hỏi nhiều kinh nghiệm, lại được biết thêm nhiều nơi trên đất nước của mình nữa”, nụ cười tươi tắn của chàng trai BahNar hai mươi mốt tuổi, cứ như xem thường mấy lần bong gân trước đó do tập luyện bộ môn nguy hiểm này.

Với những Tham, những Đêm, những Chơp, những Ngâp… ở ngôi làng Kon Măh của xã Hà Tây này, đã thắp lên ngọn lửa đam mê bộ môn truyền thống trên những đôi thanh tre lêu khêu. Cũng với niềm đam mê mãnh liệt như trên, “xing xơng” đã tự tin bước ra khỏi sân làng bé nhỏ, để đến với những sân chơi thể thao lớn, để đem về những thành tích lớn. Và hơn thế, còn để “giữ lửa” cho buôn làng Tây Nguyên, vốn đang dần bị mai một với những tiện nghi hiện đại, với những trò chơi hiện đại.

Tôi khâm phục những bạn trẻ BahNar này, khâm phục niềm đam mê mãnh liệt của họ - một niềm đam mê không hề mang sắc màu toan tính.

Cũng như ông cha mình, lũ trẻ làng Kon Măh cứ thoăn thoắt đi lại trên đôi cà kheo như thể người ta dạo chơi. Thỉnh thoảng, chúng còn vừa đi vừa gõ hai đầu cà kheo vào nhau, tạo nên những âm thanh vui nhộn. Phải thừa nhận rằng, đây là những bậc thầy về nghệ thuật giữ thăng bằng, không khác gì làm xiếc trên không.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện cụ Bầm tháo dỡ bàn thờ tổ tiên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

'Mình hết lòng vì Tổ quốc thì tổ tiên sẽ ủng hộ, phù hộ chứ các cụ có làm gì ảnh hưởng đến con cháu đâu mà sợ', chị Nhàn thuật lại lời kể.